In bài viết

Trung Quốc thách thức các nguyên tắc cơ bản về hòa bình

(Chinhphu.vn) - V iệc sử dụng lực lượng bán quân sự tại Đông Nam Á tạo ra “thách thức rất nghiêm trọng đối với những nguyên tắc cơ bản về hòa bình ở khu vực trong vài thập kỷ qua”.

07/06/2014 16:23

Ông David Koh, nhà tư vấn độc lập người Singapore từng nghiên cứu về Việt Nam trong 20 năm qua, cho rằng việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép tại Biển Đông rõ ràng thể hiện “ý muốn sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp quốc tế”.

Trong một bài viết cho chuyên mục “Các vấn đề Đông Nam Á” của nhật báo The Straits Times (Singapore) ra ngày 5/6, ông David nhấn mạnh việc sử dụng lực lượng bán quân sự tại khu vực này tạo ra “thách thức rất nghiêm trọng đối với những nguyên tắc cơ bản về hòa bình ở khu vực trong vài thập kỷ qua”.

Theo David Koh, trong hai thập kỷ qua "Trung Quốc chỉ nói suông về ý tưởng của một bộ quy tắc ứng xử, trong khi lại tiến hành hiện đại hóa quân sự và củng cố tuyên bố chủ quyền của mình". Do đó, các ASEAN cần có phản ứng tập thể. Hiện là lúc để ASEAN đánh giá lại mối đe dọa của Trung Quốc ở mức nào đối với trật tự khu vực mà ASEAN đã xây dựng và điều hành một cách cẩn trọng trong suốt bốn thập kỷ qua.

Bình luận về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và điều cả tàu và máy bay quân sự tới vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khiến căng thẳng leo thang, ông Juan Carlos Minghetti, chuyên gia làm việc tại Trung tâm nghiên cứu về kinh tế và xã hội (CIEYS) của Argentina khẳng định hành động trên cho thấy Bắc Kinh tìm cách giải quyết tranh chấp thông qua sức mạnh quân sự.

Phát biểu tại buổi nói chuyện về Việt Nam tại Trung tâm văn hóa hợp tác “Floreal Gorini” ở thủ đô Buenos Aires, ông Minghetti cho rằng Trung Quốc tăng cường thăm dò dầu khí để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, tuy nhiên Bắc Kinh cần phải tôn trọng chủ quyền của các nước láng giềng.

Cũng tại buổi nói chuyện này, ông Eduardo R. Hernandez, giảng viên của Trung tâm nghiên cứu và đào tạo Marxism Hector P. Agosti, khẳng định Trung Quốc đã có cách hành xử không đúng trong tranh chấp biển đảo với Việt Nam.

Ông Vinod Anand, chuyên viên cao cấp tại Viện quốc tế Vivekananda (VIF) của Ấn Độ có bài phân tích phát trên mạng tin Merinews.com ngày 4/6, chỉ trích việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam.

Học giả người Ấn Độ cho rằng hành động trên của Trung Quốc nhằm thể hiện “tầm với và sức mạnh quân sự” của họ trong khu vực, với ý định ép buộc Việt Nam từ bỏ hoặc ít nhất giảm tuyên bố chủ quyền đối với khu vực giàu dầu khí nằm trong phạm vi quyền tài phán của Việt Nam theo UNCLOS.

Học giả Vinod Anand nhận định: Trung Quốc từ lâu đưa ra những đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông dựa trên cái gọi là “đường chín đoạn” vốn không có cơ sở pháp lý hoặc lịch sử, do đó không có nguyên tắc hoặc luật lệ quốc tế nào chấp nhận. Rõ ràng Trung Quốc đã áp dụng các chiến lược lâu dài dọc cả biên giới trên bộ và trên biển để chiếm các vùng đất và vùng biển mà họ tự cho là của mình. Trong những năm qua, Trung Quốc đã sử dụng chiến tranh tâm lý và chiến tranh truyền thông nhằm đạt mục đích và mục tiêu của họ.

Mới đây trang War is boring có bình luận về tình hình căng thẳng trên Biển Đông sau việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bài viết sau đó được trang mạng quốc phòng Pakistan đăng lại, nội dung như sau:

Trước hết, diễn biến mới nhất của cuộc xung đột bắt đầu khi giàn khoan Hải Dương 981, được đưa đến vị trí mà Việt Nam khẳng định thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình và điều đó là hoàn toàn được phép theo công ước quốc tế. Nhưng giàn khoan đã dừng lại trong sự ngạc nhiên của Việt Nam. Nhân viên bảo vệ bờ biển Việt Nam được đưa ra để chặn giàn khoan và yêu cầu nó rút khỏi vùng biển Việt Nam, nhưng họ bị lực lượng bảo vệ giàn khoan Trung Quốc ngăn chặn. Cuộc đối đầu mới nhất thực sự là rất nguy hiểm. Thời gian này, Trung Quốc đang tiến hành một phương pháp tiếp cận đối đầu bất thường với Việt Nam.

Mấy năm nay, Trung Quốc và Nhật Bản đã và đang tranh chấp với nhau tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư) nhưng cuộc đối đầu tương đối nhẹ. Cả Trung Quốc và Nhật Bản đã sử dụng vòi rồng, nhưng chưa xuất hiện các nhân viên quân sự của Trung Quốc trong sự kiện. Cho nên hành động lần này (ở vùng biển Việt Nam) của Trung Quốc là nhằm tạo ra một hiện trạng mới trong khu vực bất chấp phản ứng của các nước xung quanh.

Đặt cược tốt nhất của Việt Nam là lựa chọn hợp pháp, nộp đơn khiếu nại với Tòa án Quốc tế về Luật biển về sự xâm nhập của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Nguyễn Chiến (tổng hợp)