Ngày 25/4, UBND TPHCM phối hợp với Khu Công nghệ cao TPHCM tổ chức Hội thảo "Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 tại TPHCM - động lực mới cho phát triển bền vững".
Phát biểu tại sự kiện, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, TPHCM là trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước. Để giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, từng bước trở thành trung tâm kinh tế của khu vực Đông Nam Á, Thành phố đang tập trung cải thiện chất lượng tăng trưởng, nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng và từng bước chuyển đổi nền kinh tế theo hướng "số" và "xanh".
Hiện nay, sự phát triển của một số công nghệ mang tính đột phá trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ mạng 5G, công nghệ sinh học, công nghệ bán dẫn, năng lượng mới,... đã và đang tác động mạnh mẽ tới mọi khía cạnh, từ an ninh - chính trị đến kinh tế, xã hội.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, nắm bắt và tận dụng cơ hội trên, trước đó vào ngày 16/1, UBND TPHCM và Diễn đàn Kinh tế thế giới đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong việc thành lập C4IR tại TPHCM dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).
Sự kiện là một cột mốc quan trọng trong quan hệ đối tác giữa TPHCM, Việt Nam và WEF, qua đó WEF có thể hỗ trợ TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung đạt được khát vọng về đổi mới, sáng tạo và tăng trưởng thông qua tăng cường hợp tác quốc tế và kết nối, tận dụng nguồn lực.
Ông Võ Văn Hoan cho biết, C4IR sẽ đặt tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Đây là một trong 3 khu công nghệ cao quốc gia của Việt Nam, có vai trò chiến lược trong việc hình thành các ngành công nghiệp mũi nhọn thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Nơi đây đã hình thành các hệ sinh thái công nghệ phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gồm các lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn, công nghệ sinh học, vật liệu mới, drone, trí tuệ nhân tạo, IOT... Như vậy, C4IR tương tác với Khu Công nghệ cao TPHCM sẽ trở thành động lực mới thúc đẩy phát triển bền vững cho TPHCM, tạo sức lan toả mạnh mẽ trong vùng Đông Nam Bộ và cả nước trong thời gian tới.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cho biết, C4IR TPHCM sẽ là trung tâm đầu não của Việt Nam tham mưu chính sách công nghiệp quốc gia, thí điểm triển khai các chính sách công nghiệp quốc gia tại TPHCM, thúc đẩy chuyển đổi nền kinh tế trong cách mạng công nghiệp 4.0.
Đồng thời, C4IR kỳ vọng trở thành nền tảng không chỉ giúp cho TPHCM mà còn giúp cho cả nước định hình phát triển các chiến lược cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phù hợp với chiến lược phát triển chung của quốc gia cũng như đóng góp vào quỹ đạo phát triển toàn cầu của công nghệ hiện nay. C4IR TPHCM cùng với sự đồng hành, cộng hưởng của các thành viên sáng lập là những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam và tận dụng những tri thức, kinh nghiệm của mạng lưới C4IR toàn cầu mang lại hỗ trợ, tư vấn, đề xuất, kiến nghị các giải pháp, chính sách, sáng kiến phù hợp với định hướng quốc gia và xu thế quốc tế về công nghệ.
Chủ tịch HDBank Kim Byoungho đánh giá, việc thành lập C4IR là bước tiến quan trọng, góp phần tạo động lực đột phá, hướng tới mục tiêu phát triển TPHCM trở thành thành phố dịch vụ công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu kinh tế số, xã hội số, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ và văn hóa của khu vực.
HDBank cũng cam kết tăng cường nguồn vốn tài trợ và các giải pháp tài chính cho các doanh nghiệp công nghệ cao, dự án chuyển đổi và ứng dụng công nghệ cao, cũng như hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ứng dụng và chuyển đổi công nghệ, các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đại diện Tập đoàn Viettel thì cam kết với Thành phố xây dựng trung tâm dữ liệu xanh, chuẩn quốc tế tại Củ Chi với công nghệ hiện đại nhất, cũng như tiến tới nâng cấp hạ tầng cáp quang gấp tối thiểu 10 lần so với hiện tại, kết nối tới các khu vực sản xuất. Đồng thời, Viettel cũng đề xuất Thành phố xây dựng chiến lược thúc đẩy việc áp dụng điện toán đám mây, điện toán biên, Internet vạn vật để quá trình sản xuất tự động hóa, thông minh hóa diễn ra nhanh hơn.
Ông Lê Minh, Giám đốc công nghệ Công ty CMC Technology and Solution cho biết, để TPHCM có thể chuyển mình trở thành một "Thành phố thông minh", cần phải có một hạ tầng công nghệ vững chắc. Với mục tiêu này, CMC đã và đang phát triển giúp Thành phố có thể mở rộng cơ sở hạ tầng công nghệ.
Một trong những dự án đáng chú ý nhất là việc xây dựng AI Factory - một trung tâm dữ liệu siêu lớn phục vụ cho AI Cloud. Đây không chỉ là một trung tâm dữ liệu thông thường, mà là một cơ sở hạ tầng hiện đại, nơi chứa đựng nền tảng AI chủ chốt giúp phục vụ cho các bài toán AI trong nước và quốc tế.
Anh Lê