In bài viết

Trung tâm kinh tế thế giới chuyển sang phía Đông

(Chinhphu.vn) - Ở giai đoạn hiện nay, khi trên thế giới không có một trung tâm đóng vai trò chủ chốt, thì nền kinh tế phát triển năng động của khu vực Đông Nam Á và đặc biệt của Trung Quốc là có cơ hội nhất.

21/02/2010 07:59

Năm 2009, GDP của Trung Quốc đã tăng hơn 8%
Châu Á là lục địa đầu tiên bắt đầu hồi sinh sau cuộc khủng hoảng thế giới. Năm 2009, GDP của Trung Quốc đã tăng hơn 8%. Theo dự đoán của các chuyên viên, năm 2010, chỉ số này sẽ tăng thêm 10%.

Theo dự đoán, GDP của Ấn Độ sẽ tăng 7%. Chỉ số của những quốc gia khác trong khu vực là nhỏ hơn nhưng vẫn trên đà tăng trưởng. Ngoài ra, tỷ lệ của các nước châu Á tham gia vào nền thương mại thế giới cũng tăng lên đáng kể.

Theo số liệu thống kê năm 2009, Trung Quốc đứng thứ nhất về khối lượng xuất khẩu. Điều đó cho thấy rõ rằng, trung tâm kinh tế thế giới đang chuyển từ phương Tây sang phương Đông.

Sau khi nhận thức được về dự trữ lao động giá rẻ của nước này, các quốc gia phương Tây đã bắt đầu chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp sang địa bàn Trung Quốc. Sau mấy năm nữa, Trung Quốc và các nước khác trong khu vực sẽ chiếm vị trí ổn định trên thị trường quốc tế. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua đã cho thấy rõ rằng, vị thế của CHND Trung Hoa và các nước khác trong khu vực Đông Nam Á thường gọi là “các con hổ kinh tế châu Á” là ổn định hơn so với Mỹ và Đức.

Dmitri Smyslov, Viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhận xét: “Trong điều kiện khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu, tình trạng của các quốc gia Đông Nam Á là tốt hơn nếu so với những cường quốc phát triển. Các nước trong khu vực tập hợp nỗ lực để củng cố hệ thống tài chính. Chẳng hạn, một số quốc gia Đông Nam Á có kế hoạch thành lập sàn giao địch chứng khoán thống nhất để đối phó với các cơ sở tương tự của châu Âu và Mỹ”.

Theo ý kiến của chuyên viên Nga, hiện vẫn còn sớm để nói rằng Trung Quốc là một trung tâm mới của nền kinh tế thế giới. Song, nước này có đủ điều kiện để trong tương lai gần chiếm vị trí đó. Ở giai đoạn hiện nay, khi trên thế giới không có một trung tâm đóng vai trò chủ chốt, thì nền kinh tế phát triển năng động của khu vực Đông Nam Á và đặc biệt của Trung Quốc là có cơ hội nhất.

Linh Đức