Tỷ lệ ủng hộ hiện tại: Ông Emmanuel Macron 62% (vòng 1: 24,01%), bà Marine Le Pen 38% (vòng 1: 21,3%). Nguồn: AFP |
Không khí nước Pháp yên tĩnh trước "giờ G" ngày bầu cử Tổng thống vòng 2 (ngày 7/5).
Trong ngày 6/5, không có các cuộc vận động tranh cử và dự báo kết quả cũng không được công bố. Điều này khác hẳn với vài ngày trước đó.
Ngày 5/5, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn, ứng cử viên Emmanuel Macron, người theo đường lối trung dung và không có một đảng chính trị làm “bệ đỡ”, cam kết nước Pháp sẽ có những thay đổi chính trị sâu sắc nếu ông được bầu làm tổng thống. Ông sẽ thực hiện những thay đổi sâu sắc trong lĩnh vực môi trường cũng như dân chủ và hệ thống chính quyền tại Pháp.
Chính sách đối nội của ông Macron dựa trên việc phủ nhận những đối kháng trước đây trong chính trường Pháp. Ông chủ trương đường lối kinh tế - xã hội tự do. Còn về đối ngoại, ông Macron cam kết Pháp ở lại Liên minh châu Âu (EU).
Đối thủ của ông, cựu Chủ tịch đảng Mặt trận quốc gia Pháp (FN) Marine Le Pen, người theo đường lối cực hữu tuyên bố bà có thể đoàn kết nước Pháp nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Bà Le Pen cho rằng ứng cử viên Macron chỉ làm tình hình chia rẽ thêm trầm trọng.
Quan điểm của bà Marine Le Pen nhấn mạnh vào việc bảo vệ lợi ích chủ quyền của Pháp, chủ trương củng cố biên giới để ngăn chặn dòng người di cư và bảo vệ thị trường lao động; chủ trương bãi bỏ các lệnh trừng phạt Nga và hợp tác với Nga chống khủng bố. Bà Le Pen cũng để ngỏ khả năng Pháp sẽ xem xét lại quan hệ với EU, bao gồm cả việc rút khỏi Liên minh.
Trước đó, trong cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình (tối 3/5), trong 150 phút , hai ứng cử viên đã bộc lộ những quan điểm trái ngược nhau về tất cả các vấn đề quan trọng của nước Pháp, từ chính sách đối nội như kinh tế, chống khủng bố,... đến đối ngoại như điều chỉnh quan hệ với châu Âu, Mỹ và Nga.
Cuộc tranh luận được giới truyền thông đánh giá là “nảy lửa”, nghiêng nhiều về công kích và chỉ trích lẫn nhau mà không đưa ra được những lập luận thuyết phục làm rõ đường hướng chính sách từng cử viên để lãnh đạo nước Pháp. Có tờ báo thậm chí nhận xét rằng cuộc tranh luận giữa ông Macron và bà Le Pen "dữ dội hơn bất cứ cuộc tranh luận nào trong lịch sử nước Pháp".
Theo các cuộc thăm dò dư luận mới nhất, hiện ông Macron được 62% cử tri ủng hộ trong khi bà Le Pen được 38% cử tri ủng hộ, AFP cho biết.
Các cơ quan xã hội học cho rằng tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp lần này sẽ ở mức thấp kỷ lục.
Đã có hơn 11 triệu cử tri Hàn Quốc bỏ phiếu sớm trong 2 ngày 4 và 5/5. Ảnh: Yonhap |
Tại Hàn Quốc, cử tri đã bắt đầu đi bỏ phiếu sớm trong ngày 4 và 5/5 (ngày bầu cử chính thức là ngày 9/5).
Đợt bỏ phiếu lần này dành cho những cử tri không thể bỏ phiếu trong ngày bầu cử chính thức 9/5 vì lý do cá nhân. Đây cũng là lần đầu tiên ở Hàn Quốc hình thức bỏ phiếu sớm được áp dụng cho cuộc bầu cử Tổng thống.
Ủy ban Bầu cử Trung ương Hàn Quốc cho biết tỷ lệ cử tri bỏ phiếu sớm đạt hơn 26%, tương đương 11,1 triệu người. Tỷ lệ bỏ phiếu sớm lần này cao gấp đôi so với đợt bầu cử Quốc hội hồi tháng 4/2016.
Cử tri Hàn Quốc hào hứng bỏ phiếu do đây là cuộc bầu cử Tổng thống sớm, bầu người kế nhiệm thay thế cựu Tổng thống Park Geun-hye. Điều này cho thấy người dân Hàn Quốc trong thời gian qua đã rất mong mỏi tới ngày bỏ phiếu bầu một nhà lãnh đạo mới.
Còn trước đó, ngày 25/4, công dân Hàn Quốc sinh sống, làm việc ở 116 nước đã đi bỏ phiếu bầu cử. Lần này, con số cử tri Hàn Quốc ở nước ngoài đăng ký bỏ phiếu được ghi nhận là đông nhất từ trước đến nay, đạt 294.633 người.
Thanh Phương (tổng hợp)