Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, bà Caitlin Wiesen đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đã thông qua Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn đến năm 2050, trong đó đề ra khuôn khổ rõ ràng nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 như đã cam kết tại Hội nghị COP26.
Việt Nam đã cùng với Bangladesh và Philippines soạn thảo và đề xuất Nghị quyết năm 2022 về BĐKH và quyền con người, tập trung vào quyền lương thực và BĐKH đã được thông qua tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 50 Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào tháng 7 vừa qua.
Theo bà Caitlin Wiesen, Việt Nam cần thúc đẩy "đổi mới xanh", tập hợp tất cả các bên quan trọng, bao gồm Chính phủ, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, nông dân và tất cả người dân để thúc đẩy hành động, với trọng tâm là chuyển dịch năng lượng công bằng.
Chính phủ cần đánh giá và phân tích các tác động tiềm ẩn và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong việc tìm hiểu, lập kế hoạch và cơ cấu lại các khoản đầu tư theo hướng xanh và có khả năng chống chịu tốt hơn. Việc này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro trong tương lai và tận dụng cơ hội tiếp cận thị trường một cách bền vững cho các sản phẩm.
Thêm vào đó, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng lộ trình, cung cấp hướng dẫn và đầu tư, đồng thời thực hiện các giải pháp như kinh tế tuần hoàn, hạn chế việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và thúc đẩy các phương thức sản xuất bền vững.
Uớc tính rằng, Việt Nam sẽ cần 330-370 tỷ USD để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Khoản tiền này cần được huy động từ nguồn tài chính công và tư nhân cũng như từ các nguồn trong nước và quốc tế.
Chính vì vậy, Việt Nam nên áp dụng một chiến lược tài chính khí hậu sáng tạo và chuyên dụng như thiết lập hệ thống thương mại phát thải, thúc đẩy thị trường carbon và trái phiếu xanh để giúp thu hút và tạo ra nguồn tài chính xanh.
Bà Caitlin Wiesen cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc hiện đại hóa lưới điện nhằm phân phối điện năng hài hòa hơn, tăng cường khả năng lưu trữ của năng lượng tái tạo, tích trữ năng lượng dư thừa.
Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam cũng lưu ý rằng, thế hệ trẻ có thể là động lực cho công cuộc "đổi mới xanh" khi được trao quyền tiếp cận với kiến thức và công nghệ thích ứng với với BĐKH.
Bên cạnh việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng khung pháp lý, chiến lược, chính sách mới, phù hợp với chương trình nghị sự của Chính phủ, UNDP đã tích cực hỗ trợ cộng đồng địa phương nhằm tối ưu hóa các lợi ích do các chương trình thích ứng với BĐKH mang lại.
Cụ thể, với sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ Khí hậu xanh, UNDP và Chính phủ Việt Nam đã xây dựng hơn 4.000 ngôi nhà an toàn tại 5 tỉnh ven biển; trồng và tái tạo 4.000 ha rừng ngập mặn ven biển.
Bên cạnh đó, UNDP đang đào tạo và chuyển giao các mô hình nghiên cứu về sản xuất, lưu trữ và sử dụng hydrogen và carbon xanh cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và Viện Năng lượng (Bộ Công Thương).
Phía UNDP cũng đang làm việc với Bộ Giao thông vận tải và một số chính quyền cấp tỉnh để thúc đẩy giao thông xanh tại Việt Nam.
UNDP thực hiện đánh giá tác động của việc loại bỏ dần điện than và chuyển đổi năng lượng và tác động của quá trình này đối với Việt Nam, bao gồm đánh giá tác động kinh tế-xã hội của Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bà Caitlin Wiesen cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, khu vực tư nhân trong việc đảm bảo việc lập kế hoạch cho các chính sách thích ứng, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như các chính sách môi trường phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền.
Thêm vào đó, UNDP sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và tuần hoàn thích ứng với BĐKH với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thùy Dung