Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đã công bố thông tin Dự án “Nâng cao chất lượng giáo dục đại học”. Ảnh: VGP/Nhật Nam |
Ngày 21/3, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đã công bố thông tin Dự án “Nâng cao chất lượng giáo dục đại học” tại Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Cụ thể, trong tổng giá trị tài trợ là 155 triệu USD của Ngân hàng Thế giới, khoản tín dụng dành cho Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội là 50 triệu USD (gồm 45 triệu USD vốn vay ODA (cấp phát 40,5 triệu USD, Nhà trường vay lại Chính phủ 4,5 triệu USD) và 5,0 triệu USD vốn đối ứng của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội).
Với mức đầu tư này, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội tập trung phát triển đào tạo và nghiên cứu các lĩnh vực mũi nhọn của cuộc CMCN 4.0 gồm: Điện, Điện tử, Cơ điện tử và Khoa học Vật liệu. Đây là những lĩnh vực thuộc ba nhóm ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử, Kỹ thuật Cơ khí của Trường vừa được tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds – QS (Vương quốc Anh) đánh giá và xếp hạng vào tốp 400-550 thế giới trong bảng xếp hạng QS theo 48 nhóm ngành/lĩnh vực; đồng thời đứng đầu Việt Nam. Riêng lĩnh vực Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đã nhận được tài trợ của JICA và JBIC trong khuôn khổ dự án HEDSPI (2006-2014).
Tiểu dự án “Nâng cao chất lượng giáo dục đại học tại Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội” được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. Thời gian thực hiện dự án 5 năm (2018-2022) với mục tiêu nhằm phát triển Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội thành một cơ sở đào tạo và nghiên cứu hàng đầu trong nước về khoa học và công nghệ; tập trung các nguồn lực nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu; hiệu quả trong phát triển khoa học và công nghệ ở các lĩnh vực ưu tiên then chốt; hỗ trợ đổi mới cơ chế hoạt động tự chủ toàn diện và bền vững.
Tiểu dự án với 3 hợp phần gồm: (1) Nâng cao năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực Điện - Điện tử - Cơ điện tử và Khoa học Vật liệu; (2) Nâng cao năng lực đào tạo trong lĩnh vực Điện - Điện tử - Cơ điện tử và Khoa họcVật liệu; (3) Nâng cao chất lượng và hiệu quả quản trị đại học.
Nguồn vốn do Ngân hàng Thế giới tài trợ sẽ được sử dụng để thực hiện một loạt các hoạt động nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu, đào tạo và quản trị đại học của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội thông qua việc: (a) Xây dựng tòa nhà C7 trên diện tích đất 4.000 m2, cao 9 tầng nổi, 1 tầng hầm, diện tích sàn xây dựng 39.000 m2 nhằm cải thiện môi trường nghiên cứu và giảng dạy; (b) Nâng cấp thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu và quản lý thể chế; (c) Cung cấp hỗ trợ tăng cường năng lực nghiên cứu, giảng dạy và quản lý thể chế; (d) Cung cấp hỗ trợ hoạt động kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo theo chuẩn khu vực hoặc quốc tế; (e) Cung cấp về đào tạo bồi dưỡng giảng viên và nghiên cứu viên; (f) Cung cấp về các khoản tài trợ nghiên cứu và khoản hỗ trợ tài chính cho sinh viên và (g) là Cung cấp hỗ trợ quản lý dự án.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội chia sẻ: "Việc đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị từ Dự án SAHEP có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Hy vọng với sự đầu tư mạnh mẽ về đào tạo và nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới trong Dự án lần này sẽ tạo nền tảng để lĩnh vực Điện, Điện tử, Cơ điện tử và Khoa học Vật liệu của Trường tăng bậc trong bảng xếp hạng và tiếp tục có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội nước nhà".
Với vị thế là trường đại học đầu ngành lĩnh vực khoa học - công nghệ tại Việt Nam, nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình khi được chọn để thực hiện dự án SAHEP, ông Hoàng Minh Sơn cho biết Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cam kết sẽ sử dụng nguồn vốn này một cách hiệu quả và có trách nhiệm với tầm nhìn “trở thành một đại học nghiên cứu hàng đầu khu vực với nòng cốt là kỹ thuật và công nghệ, tác động quan trọng vào phát triển nền kinh tế tri thức và góp phần gìn giữ an ninh, hòa bình đất nước, tiên phong trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam”./.
Nhật Nam