Ông Trí muốn hỏi: Vợ của chú ruột có quyền thay mặt chủ hộ để nhập hộ khẩu cho con riêng không và bố ông Trí có quyền phản đối không?
Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời câu hỏi của ông Trí như sau:
Điều kiện nhập hộ khẩu
Điều kiện đăng ký, nhập hộ khẩu thường trú quy định tại khoản 1, Điều 13 và điểm a, khoản 2, Điều 20 của Luật Cư trú , được hướng dẫn tại điểm c, khoản 2, Điều 6 và điểm a, khoản 2, Điều 7 của Thông tư 52/2010/TT-BCA ngày 30/11/2010 của Bộ Công an như sau:
- Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống.
- Công dân được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương nếu được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình và thuộc trường hợp vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con.
Trường hợp con về ở với cha hoặc mẹ phải có giấy tờ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con: Giấy khai sinh; sổ hộ khẩu hoặc xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú.
Tại điểm i, khoản 2, Điều 6, Thông tư nêu trên quy định cá nhân được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình khi đăng ký thường trú phải có ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chữ ký, ghi rõ họ, tên và ngày, tháng, năm vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.
Chủ hộ gia đình
Tại khoản 1, Điều 107, Bộ luật Dân sự quy định chủ hộ là đại diện của hộ gia đình trong các giao dịch dân sự vì lợi ích chung của hộ. Cha, mẹ hoặc một thành viên khác đã thành niên có thể là chủ hộ.
Theo Điều 25 Luật Cư trú thì sổ hộ khẩu được cấp cho từng hộ gia đình. Mỗi hộ gia đình cử một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ làm chủ hộ để thực hiện và hướng dẫn các thành viên trong hộ thực hiện quy định về đăng ký, quản lý cư trú.
Trường hợp ông Huỳnh Trí hỏi, theo ông Trí trình bày, trước đây sổ hộ khẩu hộ gia đình của bà nội ông Trí gồm: bà nội ông Trí, chú ruột ông Trí, vợ của chú ruột ông Trí. Khi bà nội và chú ruột ông Trí đều đã chết, chỉ còn lại một mình vợ của chú ruột ông trong hộ gia đình đó, đương nhiên vợ chú ruột ông trở thành chủ hộ. Theo quy định của pháp luật cư trú hiện hành, vợ chú ruột ông Trí có quyền đồng ý cho nhập con đẻ của mình vào sổ hộ khẩu của mình.
Do bố ông Trí là chủ hộ gia đình riêng, sổ hộ khẩu riêng nên không có quyền phản đối việc vợ chú ruột ông Trí đồng ý cho nhập con riêng họ vào sổ hộ khẩu riêng của họ.
Có thể ông Trí lo ngại việc vợ của chú ông cho con riêng nhập hộ khẩu sẽ ảnh hưởng đến việc thừa kế tài sản của bà nội và chú ông để lại. Tuy nhiên việc con riêng của vợ chú ông Trí nhập hộ khẩu vào sổ hộ khẩu của vợ chú ông sẽ không làm thay đổi quyền lợi của các thừa kế đối với tài sản của bà nội và tài sản của chú ông Trí để lại.
Luật sư Lê Văn Đài
VPLS Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.
Các tin liên quan:
>> Giải đáp về thủ tục nhập hộ khẩu
>> Có giấy xác nhận chỗ ở hợp pháp mới được đăng ký hộ khẩu