In bài viết

Trường hợp không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp

(Chinhphu.vn) - Bà Lê Tú Mỹ (tumyle_dn@...) công tác tại Trường Cao đẳng nghề Hoàng Diệu (trường tư thục) được 4 năm. Vừa qua, bà đã nộp Đơn xin nghỉ việc để chuyển sang một đơn vị trường học khác. Theo dự thảo Quyết định của trường, trường hợp của bà có ghi "Quyết định cho chuyển công tác".

25/10/2012 12:41

Bà Mỹ hỏi, tên Quyết định như vậy có đúng không hay phải là "Quyết định đồng ý cho nghỉ việc theo đơn"? Ngoài ra, trường Cao đẳng nghề Hoàng Diệu cho biết, trường hợp của bà khi nghỉ việc chỉ được giải quyết 1 trong 2 chế độ là bảo hiểm thất nghiệp hoặc trợ cấp thôi việc, như vậy có đúng quy định không?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội giải đáp thắc mắc của bà Mỹ như sau:

Theo quy định tại khoản 3, Điều 36, Điều 37 và khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động hiện hành (ban hành năm 1994, đã được sửa đổi bổ sung năm 2002, 2006, 2007), khi hợp đồng lao động được hai bên thỏa thuận chấm dứt, hoặc người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có thời gian báo trước đúng quy định thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp (hoặc cơ quan, đơn vị)  từ đủ 12 tháng trở lên, cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương, cộng với phụ cấp lương (nếu có).

Điều 41 Nghị định 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ quy định thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp không được tính để hưởng trợ cấp thôi việc. Thời gian người lao động thực tế làm việc theo các bản hợp đồng lao động mà không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp thì được tính để xét hưởng trợ cấp thôi việc.

Trường hợp bà Lê Tú Mỹ làm việc tại Trường Cao đẳng nghề Hoàng Diệu, là cơ sở giáo dục tư thục. Như vậy là bà Mỹ làm việc tại nhà trường theo chế độ hợp đồng lao động. Việc bà Mỹ nộp đơn xin nghỉ việc và được hiệu trưởng nhà trường đồng ý là trường hợp hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

Hiệu trưởng nhà trường ra “Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với giáo viên theo nguyện vọng”, hoặc “Quyết định đồng ý cho giáo viên thôi việc theo đơn” đều phù hợp với tình huống này. Nếu nhà trường ra quyết định có tiêu đề “Quyết định cho chuyển công tác” cũng không làm thay đổi nội dung việc hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

Về chế độ thôi việc và chế độ bảo hiểm thất nghiệp, do thông tin bà Mỹ cung cấp không nêu rõ thời điểm bà ký hợp đồng lao động với trường Cao đẳng nghề Hoàng Diệu, mà chỉ nêu đến thời điểm này (tháng 10/2012) đã làm việc tại trường 4 năm. Như vậy có thể bà Mỹ đã ký hợp đồng lao động với nhà trường từ tháng 10/2008.

Trường hợp bà Mỹ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ ngày Nghị định số 127/2008/NĐ-CP về bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực, thì thời gian từ ngày 1/1/2009 đến khi có khi có quyết định thôi việc bà Mỹ không được tính để hưởng trợ cấp thôi việc. Đồng thời, ngay sau khi thôi việc tại Trường Cao đẳng nghề Hoàng Diệu bà Mỹ đã được đơn vị khác tuyển dụng, nên bà không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Nếu trong thời gian làm việc tại Trường Cao đẳng nghề Hoàng Diệu bà Mỹ chưa tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì nhà trường phải tính trả trợ cấp thôi việc cho bà theo các quy định nêu trên.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Tin, bài liên quan:

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp không được tính hưởng trợ cấp thôi việc

Có được cộng nối thời gian hưởng trợ cấp thôi việc?

Chế độ thôi việc khi chuyển công tác

Thời gian tính trợ cấp thôi việc

Chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động

Trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc làm

Chế độ thôi việc đối với công chức cấp xã

Trợ cấp thôi việc cho người lao động ở doanh nghiệp cổ phần hóa

Trợ cấp thôi việc trong công ty TNHH một thành viên Nhà nước