Trường hợp chỉ nuôi cá tra thì không phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước |
Ông Phan Thế Thuận (Cần Thơ) đề nghị cơ quan chức năng giải đáp các thắc mắc sau:
- Về giấy phép sử dụng nước dưới đất của doanh nghiệp có ghi rõ tọa độ, lưu lượng và các thông số của công trình trong đó có ghi chế độ khai thác (giờ/ngày.đêm) là 12h, vậy cơ sở tính tiền của doanh nghiệp là 1/2 ngày hay 1 ngày?
- Về giấy phép sử dụng nước mặt cho hoat động sản xuất là chăn nuôi cá tra thương phẩm. Hoạt động ngành nghề này không ghi rõ trong Nghị định thuộc đối tượng thực hiện việc kê khai quyền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhưng theo công văn hướng dẫn 3995/TCT-DNL (Đối với khai thác nước mặt: Khai thác nước mặt để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp, bao gồm cả nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi). Vậy, hoạt động sản xuất chăn nuôi cá tra tại công ty có thuộc đối tượng kê khai theo Nghị định 822017/NĐ-CP hay không?
Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
Thứ nhất, theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 của Nghị định số 82/2017/NĐ-CP thì “Chế độ khai thác trong năm được tính bằng số ngày khai thác trong năm chia (/) 365 ngày. Trường hợp giấy phép không quy định thì chế độ khai thác được tính là 365/365 ngày”. Như vậy trường hợp Giấy phép không ghi rõ chế độ khai thác là số ngày khai thác/năm thì chế độ khai thác được tính là 365/365 ngày.
Thứ hai, nội dung câu hỏi của ông Thuận chưa rõ ràng, cụ thể là trường hợp khai thác, sử dụng nước mặt chỉ phục vụ mục đích nuôi cá tra hay còn sử dụng nước để phục vụ quá trình chế biến thương phẩm cá tra. Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 82/2017/NĐ-CP:
- Trường hợp chỉ nuôi cá tra thì không phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước;
- Trường hợp có sử dụng nước cho hoạt động sản xuất, chế biến cá tra thì thuộc trường hợp khai thác, sử dụng nước để phục vụ hoạt động sản xuất phi nông nghiệp và phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định.
Chinhphu.vn