In bài viết

Trường hợp nào bị coi là ghi âm trái pháp luật?

(Chinhphu.vn) – Hệ thống tổng đài dịch vụ khách hàng của công ty ông Nguyễn Phúc (TPHCM) tự động ghi âm các cuộc gọi giữa nhân viên tổng đài và khách hàng để phục vụ xử lý các yêu cầu của khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ, các bản ghi âm sẽ được lưu trữ và bảo mật theo quy định. Ông Phúc hỏi, việc ghi âm như vậy có bị coi là trái pháp luật không?

04/03/2021 12:02

Về vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời như sau:

Khoản 3 Điều 12 Luật Viễn thông quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông gồm: Thu trộm, nghe trộm, xem trộm thông tin trên mạng viễn thông; trộm cắp, sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông, mật khẩu, khóa mật mã và thông tin riêng của tổ chức, cá nhân khác…

Như vậy, khi nghe, ghi âm cuộc gọi của người khác mà không được sự đồng ý của người đó thì bị coi là trái pháp luật và bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điểm q Khoản 3 Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.

Trường hợp hệ thống tổng đài dịch vụ khách hàng tự động ghi âm các cuộc gọi giữa nhân viên tổng đài và khách hàng để phục vụ cho việc xử lý các yêu cầu của khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng thì doanh nghiệp viễn thông phải thông báo rõ ràng cho khách hàng trước khi thực hiện.

Ngoài ra, theo Điểm c Khoản 1 Điều 159 Bộ Luật hình sự có quy định về hành vi nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật. Nếu người nào đã vi phạm về hành vi này và đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì sẽ bị xử phạt từ 20 đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Chinhphu.vn