In bài viết

Trường hợp nào bị thu hồi chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh?

(Chinhphu.vn) - Theo phản ánh của ông Nguyễn Quang Hưng (Sơn La), địa phương ông có một số hộ xây dựng cơ sở vật chất để kinh doanh dịch vụ lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ, bungalow, homestay) trên đất nông nghiệp, đất không được cấp giấy phép xây dựng, đất lâm nghiệp, đất quy hoạch vào mục đích khác.

17/10/2022 14:02

Ông Hưng hỏi, sai phạm của các cơ sở lưu trú nêu trên có thuộc trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định tại Khoản 1, Điều 93 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP không? Nếu có thì áp dụng trường hợp nào?

Nếu sai phạm của các hộ kinh doanh không thuộc trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định tại Khoản 1, Điều 93 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP thì áp dụng biện pháp xử lý như thế nào?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:

Khoản 1, 2, Điều 84 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 4/1/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp quy định về nguyên tắc áp dụng trong đăng ký hộ kinh doanh là:

"1. Hộ kinh doanh, người thành lập hộ kinh doanh tự kê khai hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh.

2. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh, không chịu trách nhiệm về những vi phạm pháp luật của người thành lập hộ kinh doanh, hộ kinh doanh".

Điều 86 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định về địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh như sau:

"1. Địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh là nơi hộ kinh doanh thực hiện hoạt động kinh doanh.

2. Một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh và phải thông báo cho cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh còn lại".

Khoản 1, Điều 93 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định hộ kinh doanh bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong các trường hợp sau:

"a) Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh là giả mạo;

b) Ngừng hoạt động kinh doanh quá 06 tháng liên tục mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đăng ký và cơ quan thuế;

c) Kinh doanh ngành, nghề bị cấm;

d) Hộ kinh doanh do những người không được quyền thành lập hộ kinh doanh thành lập;

đ) Hộ kinh doanh không gửi báo cáo theo quy định tại Khoản 6, Điều 16 Nghị định này đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản;

e) Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của luật".

Việc xử lý vi phạm về đăng ký hộ kinh doanh được quy định tại Điều 62 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Khoản 5, 6, Điều 16 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện là:

"5. Trực tiếp kiểm tra hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra hộ kinh doanh theo nội dung trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh;

6. Yêu cầu hộ kinh doanh báo cáo về việc tuân thủ các quy định tại Nghị định này khi cần thiết".

Việc xử lý vi phạm đối với hành vi xây dựng khi không được cấp Giấy phép xây dựng, sử dụng đất không đúng mục đích không thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Chinhphu.vn