Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời ông Nguyễn Việt Hùng như sau:
Căn cứ khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 12/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 21/5/2012 của liên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế hướng dẫn việc khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động thì khi nhận được tin báo có tai nạn xảy ra tại cơ sở của mình, người sử dụng lao động phải thành lập ngay Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở để tiến hành điều tra vụ tai nạn đó.
Trong quá trình làm việc Đoàn điều tra cần xem xét các yếu tố như tai nạn xảy ra trong quá trình lao động gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động không? Có xảy ra trong quá trình thực hiện công việc, nhiệm vụ khác theo sự phân công của người sử dụng lao động không? Có thực hiện các nhu cầu cần thiết mà Bộ Luật lao động và nội quy cơ sở cho phép không? Hoặc xem xét tai nạn có xảy ra khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc, từ nơi làm việc về nơi ở tại địa điểm và thời gian hợp lý không?
Trên cơ sở này mới có thể kết luận xem vụ tai nạn xảy ra tại cơ sở có phải là tai nạn lao động hay không.
Danh mục các chấn thương để phân loại tai nạn lao động được quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 12/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT nêu trên.