Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời câu hỏi của ông Thành như sau:
Tại Điều 19, Luật Quốc tịch Việt Nam quy định công dân nước ngoài và người không quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam thì có thể được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu có đủ các điều kiện sau đây: (1) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam; (2) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam; (3) Biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam; (4) Đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam; (5) Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.
Người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có tên gọi Việt Nam. Tên gọi này do người xin nhập quốc tịch Việt Nam lựa chọn và được ghi rõ trong Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
Người xin nhập quốc tịch Việt Nam không được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.
Người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải có (được miễn) điều kiện (3),(4), (5) nêu trên nếu họ thuộc một trong những trường hợp sau đây:
- Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;
- Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
- Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hồ sơ xin nhập quốc tịch
Người nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam; hoặc là người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; hoặc là người đó có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; hoặc trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép.
Nếu ông Nguyễn Ngọc Thành là người có quốc tịch Việt Nam, thì vợ và con của ông Thành, có thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà không cần phải thôi quốc tịch nước ngoài.
Hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam của vợ, con ông Thành thực hiện theo quy định tại Điều 20 Luật Quốc tịch Việt Nam, theo đó các giấy tờ được miễn như: giấy tờ chứng minh trình độ tiếng Việt; giấy tờ chứng minh về thời gian thường trú tại Việt Nam; giấy tờ chứng minh đảm bảo cuộc sống tại Việt Nam.
Tuy nhiên cần thiết phải có các giấy tờ khác chứng minh quan hệ hôn nhân và huyết thống giữa người có quốc tịch Việt Nam với người mang quốc tịch nước ngoài như: Giấy chứng nhận kết hôn giữa ông Thành và vợ ông; Giấy khai sinh của con ông Thành, trong đó có ghi tên ông Thành là cha của trẻ được khai sinh.
Mặc dù con của vợ chồng ông Thành được sinh ra tại Việt Nam, nhưng lúc khai sinh cho con, vợ chồng ông đã thỏa thuận chọn quốc tịch của con là quốc tịch nước ngoài của mẹ, mà không chọn quốc tịch Việt Nam của cha. Do vậy, nay con ông Thành muốn nhập quốc tịch Việt Nam cần phải thực hiện theo thủ tục chung. Nếu hiện nay, con ông Thành chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi), chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, thì vợ ông Thành với tư cách là người đại diện theo pháp luật của con, đồng thời thực hiện thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam cho con.
Trình tự, thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam được niêm yết; Mẫu đơn, mẫu bản khai lý lịch xin nhập quốc tịch Việt Nam, được cấp tại Bộ phận tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.