In bài viết

Trường hợp phải lập lại hồ sơ xác nhận thương binh

(Chinhphu.vn) – Ông Lê Viết Thắng (Quảng Bình) tham gia thanh niên xung phong ngày 5/6/1965 tại Đơn vị 756, T31; bị thương vào ngày 5/6/1967 khi đang chiến đấu, hiện mảnh kim khí vẫn còn trong cơ thể ông.

14/01/2018 08:02

Năm 1999, ông Thắng làm hồ sơ thương binh, có 2 người làm chứng và được hưởng chế độ thương binh hạng 4/4. Tháng 6/2013, cả 2 người làm chứng đều rút đơn nên ông bị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình cắt chế độ. Ông Thắng hỏi, ông cần làm thủ tục gì để được hưởng lại chế độ thương binh?

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Theo nội dung đơn trình bày, ông Thắng đã bị dừng chế độ thương binh năm 2013 (hồ sơ được lập trên cơ sở người làm chứng, 2 người làm chứng đã rút đơn xác nhận), nay ông tiếp tục đề nghị giải quyết chế độ thương tật thì phải lập lại hồ sơ xác nhận thương binh theo quy định hiện hành.

Theo quy định tại  Điều 28 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ, cơ quan, tổ chức, đơn vị, chính quyền địa phương có người bị thương có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Tại Điểm c, Khoản 3, Điều 11 Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng quy định, người bị thương là thanh niên xung phong nếu thuộc Bộ Giao thông vận tải quản lý thì chuyển hồ sơ đến Bộ Giao thông vận tải để cấp giấy chứng nhận bị thương; người bị thương là thanh niên xung phong nếu thuộc các cơ quan, đơn vị khác quản lý thì chuyển đến Sở Nội vụ để xem xét trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận bị thương.

Trường hợp ông tham gia thanh niên xung phong chống Mỹ thuộc đơn vị 756, T31 huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình do Chủ tịch UBND cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận bị thương. Đề nghị ông liên hệ với Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình để được xem xét, hướng dẫn theo thẩm quyền.

Chinhphu.vn