Bà Tâm muốn được biết bà có được tiếp tục nhận bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian đi tình nguyện không? Bà có thể uỷ quyền cho người thân đi khai báo và nhận giúp được không? Nếu được thì cần phải có những giấy tờ và thủ tục gì để người thân có thể nhận tiền trợ cấp trong thời gian bà ở nước ngoài?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm – Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
![]() |
Được ủy quyền cho người khác nhận trợ cấp thất nghiệp |
Theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung thì người thất nghiệp là người đang đóng bảo hiểm thất nghiệp mà bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc được hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật;
- Đã đăng ký thất nghiệp với cơ quan lao động khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp theo quy định.
Tại Khoản 2 Điều 23 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP quy định, người bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc các trường hợp: Có việc làm hoặc thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ được hưởng khoản trợ cấp một lần bằng giá trị của tổng trợ cấp thất nghiệp của số thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp còn lại theo quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật Bảo hiểm xã hội.
Người lao động được xác định là có việc làm theo Điểm b, Khoản 6, Điều 3 Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH ngày 25/10/2010 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP nêu trên đã được sửa đổi, bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Đã giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (kể cả thời gian thử việc có hưởng lương) từ đủ ba tháng trở lên;
- Có quyết định tuyển dụng đối với những trường hợp không thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;
- Chủ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của cơ quan có thẩm quyền cấp.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP và Khoản 1 Điều 11 của Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH thì trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp đến Trung tâm Giới thiệu việc làm nơi đang hưởng trơ cấp thất nghiệp thông báo về việc tìm kiếm việc làm.
Như vậy, trường hợp của bà Phan Thanh Tâm không đủ điều kiện hưởng trợ cấp một lần do đi tình nguyện không được coi là có việc làm theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH nêu trên và bà Tâm tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng. Đồng thời, bà được ủy quyền cho người khác nhận trợ cấp thất nghiệp trong thời gian đi tình nguyện theo quy định tại Khoản 4, Điều 7 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp này bà Tâm có trách nhiệm thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH.
Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng cảm ơn Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đã có thông tin trả lời công dân qua Cổng TTĐT Chính phủ.
Phòng Thông tin phản ánh của tổ chức và công dân
Tin liên quan:
- Quy định mới về bảo hiểm thất nghiệp
- Trường hợp không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp
- Trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc làm
- Quyền lợi của người lao động khi mất việc làm
- Thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp