In bài viết

Truy tố 3 bị can vụ nâng điểm thi tại Hòa Bình

(Chinhphu.vn) - Liên quan đến vụ án can thiệp, nâng điểm trắc nghiệm trong Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia tổ chức tại tỉnh Hòa Bình, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, đề nghị truy tố 3 bị can về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

12/03/2019 10:48

Hai đối tượng Đỗ Mạnh Tuấn (trái) và Nguyễn Khắc Tuấn

Theo TTXVN, 3 người bị đề nghị truy tố gồm Nguyễn Quang Vinh (nguyên Trưởng phòng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình); Đỗ Mạnh Tuấn (nguyên Hiệu phó Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông huyện Lạc Thủy) và Nguyễn Khắc Tuấn (chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình).

Quá trình điều tra xác định, tại Hội đồng thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm 2018 của tỉnh Hòa Bình, Tổ chấm thi trắc nghiệm gồm có Nguyễn Quang Vinh là Tổ trưởng. Theo kết luận điều tra, đầu tháng 5/2018, tại phòng làm việc riêng, Nguyễn Quang Vinh chỉ đạo Đỗ Mạnh Tuấn xử lý, can thiệp, nâng điểm thi trắc nghiệm cho các thí sinh trong kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2018 tỉnh Hòa Bình.

Nguyễn Quang Vinh và Đỗ Mạnh Tuấn thống nhất phải sửa trực tiếp trên bài thi của thí sinh trước khi đưa vào máy quét file ảnh bài làm gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nguyễn Quang Vinh có trách nhiệm chuẩn bị chìa khóa phòng để bài thi trắc nghiệm, bố trí niêm phong cửa phòng thi bóc được dễ dàng, khó bị phát hiện. Đỗ Mạnh Tuấn trực tiếp sửa bài thi của thí sinh.

Đỗ Mạnh Tuấn sau đó gặp, trao đổi và bàn bạc với Nguyễn Khắc Tuấn để cùng thực hiện. Buổi tối các ngày từ 30/6/2018 đến 3/7/2018, Đỗ Mạnh Tuấn và Nguyễn Khắc Tuấn sử dụng chìa khóa do Nguyễn Quang Vinh đưa, bóc niêm phong, mở khóa đột nhập vào phòng chấm trắc nghiệm để trực tiếp thực hiện việc chỉnh sửa đáp án trên phiếu trả lời trắc nghiệm (bài thi) của các thí sinh theo danh sách đã tập hợp sẵn.

Theo kết luận của cơ quan điều tra, Đỗ Mạnh Tuấn và Nguyễn Khắc Tuấn đã sử dụng thủ đoạn tinh vi khi rạch dao theo mép gấp niêm phong túi đựng bài thi số 2, số 1, lấy các bài thi của thí sinh cần nâng điểm, đối chiếu với đáp án của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tẩy đáp án sai, dùng bút chì tô lại đáp án đúng. Có bài họ tẩy tất cả đáp án rồi tô lại đáp án đúng theo điểm được yêu cầu...

Sau khi sửa, họ cho bài thi vào túi đựng bài, dùng ghim hoặc phết một lớp hồ dán lên tờ niêm phong bài thi để không bị phát hiện. Một số trường hợp thí sinh có bài thi đã quét lên vi tính chưa kịp sửa, Đỗ Mạnh Tuấn mở máy vi tính rồi tiến hành scan lại toàn bộ tập bài thi và copy đè lên tập bài thi đã scan trước đó. Cũng có trường hợp, chỉ quét riêng bài thi của thí sinh đã được sửa đáp án.

77 bài thi có dấu hiệu bị can thiệp, nâng điểm

Căn cứ kết quả điều tra, lời khai của bị can, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã trưng cầu Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) giám định 210 bài thi trắc nghiệm của 77 thí sinh có dấu hiệu bị can thiệp, nâng điểm.

Kết luận giám định, xác định 140/210 bài thi của 56 thí sinh tẩy xóa, chỉnh sửa đáp án, các đáp án trên bài thi trắc nghiệm không phải do cùng một người tô ra. Kết quả chấm thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định 140 bài thi trắc nghiệm của 56 thí sinh đã được can thiệp, nâng điểm ít nhất từ 0,2 điểm đến cao nhất 9,25 điểm/ một môn thi.

Trong số này, có thí sinh là cháu của Nguyễn Quang Vinh được nâng 4,6 điểm tại môn Toán; nâng 5,2 điểm cho môn Ngoại ngữ. Kết quả điều tra còn xác định, trong Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2017, Nguyễn Khắc Tuấn đã trực tiếp can thiệp, nâng điểm bài thi trắc nghiệm cho cháu của mình.

Đối với môn thi tự luận, Đỗ Mạnh Tuấn khai còn được Nguyễn Quang Vinh chỉ đạo làm "sinh phách" (mã hóa số báo danh của thí sinh từ phần mềm quản lý thi) chấm thi tự luận môn Ngữ văn, dù Tuấn không có nhiệm vụ. Thông qua việc làm "sinh phách", Đỗ Mạnh Tuấn tập hợp và đưa lại cho Nguyễn Quang Vinh danh sách các thí sinh cần nâng điểm thi môn Ngữ văn để Vinh chỉ đạo, xử lý.

Kết quả chấm thấm định bài thi tự luận môn Ngữ văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định có 22 bài thi của 22 thí sinh được chấm chênh lệch điểm từ 1,25-4,75.

Cơ quan điều tra đang mở rộng điều tra vụ án, xem xét trách nhiệm những người có quan hệ, nhờ Nguyễn Quang Vinh, Đỗ Mạnh Tuấn can thiệp; nâng điểm thi cho các thí sinh; trách nhiệm nhân thân thí sinh và thí sinh; trách nhiệm của thành viên Ban Chỉ đạo Kỳ thi Trung học Phổ thông của tỉnh và các thành viên còn lại của Hội đồng thi Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia 2018 tỉnh Hòa Bình khi để xảy ra can thiệp, nâng điểm bài thi cho các thí sinh. Tuy nhiên, hiện chưa có căn cứ để xử lý trong cùng vụ án này.

Ngoài ra, theo báo điện tử Infonet, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Bộ đã có công văn yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình cập nhật lại kết quả thi lên hệ thống phần mềm quản lý thi.

Cụ thể, theo quy chế thi thì kết quả chấm thẩm định sẽ là kết quả chính thức của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia và tất nhiên sẽ thay thế cho kết quả đã công bố trước đây. Kết quả chấm thẩm định được sử dụng để xét tốt nghiệp và tuyển sinh và đại học, cao đẳng 2018.

Như vậy, sau khi có kết quả vụ gian lận điểm thi tại Hòa Bình, Bộ đã có công văn yêu cầu cập nhật kết quả thi lên hệ thống phần mềm quản lý thi, tiến hành rà soát xét lại tốt nghiệp.

Đồng thời, sẽ công bố kết quả đã được cập nhật đến các trường đại học, học viện, cao đẳng mà các thí sinh có trong danh sách thay đổi điểm thi đã nhập học.

 Vũ Phong