Kỷ niệm 18 năm ngày Cổng TTĐT Chính phủ hòa mạng Internet (10/1/2006-10/1/2024)
Kênh truyền thông chính sách hiệu quả, kịp thời
Chuyên gia tài chính - ngân hàng, Tiến sĩ Doãn Hữu Tuệ đánh giá, mặc dù chuyên trang Xây dựng chính sách trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ được đưa vào vận hành mới hơn một năm, nhưng hiệu quả tích cực đã thấy rất rõ. Toàn bộ vòng đời của các chính sách, các quy định pháp luật, từ chủ trương, đường lối, quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước đến quá trình xây dựng, ban hành, tổ chức thực thi đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống đã được thông tin toàn diện, sâu rộng, hấp dẫn trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và các nền tảng mạng xã hội của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Ngày nay, truyền thông chính sách là một phần rất quan trọng trong hoạt động của Chính phủ với mục đích thông tin về chính sách đến với người dân, thuyết phục người dân có nhận thức và hành vi đúng pháp luật. Mặt khác, đây cũng là kênh để Chính phủ lấy ý kiến người dân khi cần điều chỉnh chính sách hiện tại và xây dựng chính sách mới trên cơ sở đồng thuận xã hội.
Trang Xây dựng chính sách ra đời giúp rút ngắn khoảng cách giữa Chính phủ với người dân và doanh nghiệp; qua đó, góp phần làm cho người dân quan tâm và hiểu hơn về chính sách; làm cho quá trình xây dựng chính sách rõ ràng, minh bạch hơn, khuyến khích người dân tham gia vào quá trình hoạch định chính sách.
Hoạt động này đã giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận, nắm bắt những thông tin chính thống, chính xác, kịp thời về các văn bản chính sách, các quy định của pháp luật; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc góp ý, đề xuất các quy định mới, cũng như giám sát quá trình thực thi, đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống.
Chuyên gia này lấy ví dụ, việc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp cũng như tổ chức tọa đàm về trái phiếu doanh nghiệp vừa qua đã mang lại hiệu ứng rất tích cực cho thị trường tài chính và nhà đầu tư. "Hiện nay, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ chuẩn bị hết hiệu lực và sắp tới chúng ta sẽ quay trở lại áp dụng Nghị định số 65/2022/NĐ- CP của Chính phủ; trong đó có 3 điều kiện, điều khoản mà hiện Nghị định số 08/2023/NĐ-CP đã cho phép giãn, hoãn. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã mời các chuyên gia, những nhà làm luật, làm chính sách luận giải, làm rõ những khía cạnh công chúng quan tâm, nhất là vấn đề chúng ta sẽ tiếp tục áp dụng như thế nào khi quay trở lại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP", ông Tuệ nói.
"Những thông tin, tư vấn chính sách mà Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã thực hiện rất hữu ích. Với ví dụ như tôi vừa phân tích ở trên, thông tin về chính sách đã lan tỏa rất lớn trong cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư, tạo nền tảng cho thị trường có đà phát triển, đồng thời tạo niềm tin trở lại cho các nhà đầu tư sau một khoảng thời gian dài thị trường này lao đao, không phát huy là kênh dẫn vốn quan trọng trong nền kinh tế", ông Tuệ nhấn mạnh.
Hướng dẫn thực hiện chính sách: Giúp người dân nâng cao nhận thức và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình
Chuyên gia Doãn Hữu Tuệ cho rằng, thời gian qua, việc hướng dẫn thực hiện chính sách trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã thực sự mang lại hiệu quả và ý nghĩa thiết thực, giúp người dân thực hiện chính sách một cách đúng đắn trong quá trình đưa chính sách và pháp luật đi vào cuộc sống.
Theo chuyên gia này, chính sách là một hệ thống những quan điểm, chủ trương, phương hướng, biện pháp của Nhà nước được thể chế hóa nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra trong quản lý Nhà nước. Thông qua việc ban hành và thực thi chính sách, những mục tiêu của Nhà nước được hiện thực hóa. Chính sách có thể hỗ trợ cả việc đưa ra quyết định chủ quan và khách quan. Để có thể đi vào cuộc sống, chính sách được thể chế hóa thành các quy định cụ thể. Khi Việt Nam chuyển sang phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, việc ban hành các chính sách để tạo môi trường cho sự chuyển đổi trở thành yêu cầu cấp bách. Vì vậy, thời gian qua, Chính phủ đã tập trung vào việc xây dựng và ban hành các thể chế, nhằm tạo hành lang pháp lý cho mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Bên cạnh đó, để xây dựng được một chính sách tốt, có hiệu quả thì việc đánh giá tác động chính sách trước khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa chính sách là một việc rất cần thiết.
Đồng thời, để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, việc hướng dẫn chính sách là một công việc hết sức quan trọng. Nếu chính sách được ban hành ra mà công tác hướng dẫn chính sách không làm tốt, thì hiệu quả của chính sách sẽ bị giảm đi rất nhiều.
Ông Tuệ lấy ví dụ, việc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ có văn bản trả lời, hướng dẫn kê khai giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc đã giúp người dân thực hiện đúng nghĩa vụ và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Tham vấn chính sách: Nâng cao chất lượng chính sách
Tham vấn chính sách đóng một vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng, thực hiện và đánh giá chính sách. Việc này giúp thu thập thông tin từ nhiều phía khác nhau, bao gồm cả cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia và người dân. Quá trình tham vấn chính sách tăng cường tính minh bạch và tính dân chủ trong quyết định chính sách, giúp người dân hiểu rõ hơn về quyết định được đưa ra và cách họ có thể tác động đến quyết định đó.
Trên thực tế, mục Tham vấn chính sách bước đầu đã thu hút được nhiều ý kiến hay, phản ánh nhu cầu và mong muốn của cộng đồng xã hội; góp phần đảm bảo rằng chính sách được thực hiện một cách hiệu quả vì tích hợp ý kiến từ những người có thể ảnh hưởng đến quá trình thực hiện.
Tham vấn chính sách là quá trình tìm hiểu, thảo luận, thu thập ý kiến từ cộng đồng, các chuyên gia và người dân để định hình hoặc cập nhật chính sách. Mục tiêu là nhằm đảm bảo rằng quyết định chính sách được đưa ra dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về các vấn đề liên quan và phản ánh đúng nguyện vọng, ý chí của người dân. Đây là một phần quan trọng trong quá trình quản lý và ra quyết định của các tổ chức, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế và môi trường.
"Cũng như nhiều người dân, tôi đánh giá cao những hoạt động tích cực mà Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã thực hiện trong thời gian qua. Tôi chúc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ ngày càng hoàn thiện và lớn mạnh, trở thành một địa chỉ tin cậy, một diễn đàn gần gũi, hữu ích của người dân và doanh nghiệp trong công tác xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật", chuyên gia này bày tỏ.
Giang Oanh (thực hiện)