Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Triều Tiên và Việt Nam rất hiệu quả.
"Tổng thống đã về đến Moscow vào rạng sáng hôm nay", Hãng thông tấn Tass (Nga) dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói trong cuộc họp báo hôm 21/6.
Chương trình nghị sự dày đặc hoạt động và các chuyến đi rất hiệu quả, ông Peskov nói thêm.
Theo Tass, kết quả của chuyến thăm đánh dấu bằng việc Việt Nam - Nga ra Tuyên bố chung về làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trên cơ sở thành tựu 30 năm thực hiện Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị hai nước.
Bài viết trên trang The Guardian.com có tựa đề "Nga và Việt Nam nhất trí tăng cường quan hệ trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống LB Nga Vladimir Putin". Bài viết cho biết trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã ký kết 11 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau. Phát biểu với báo giới, Tổng thống Putin cho hay các cuộc hội đàm với Lãnh đạo cấp cao Việt Nam mang tính xây dựng và hai bên đều có quan điểm tương đồng về nhiều vấn đề quốc tế quan trọng.
Trang mạng France24.com cũng đưa nội dung tương tự với bài viết "Tổng thống LB Nga Vladimir Putin ký các thỏa thuận hợp tác với Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ với châu Á". Bài viết cho biết hai bên đã ký kết hơn 10 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực từ giáo dục đến tư pháp và hạt nhân dân sự.
Tờ Le Matin của Pháp ấn tượng với cờ Nga và biểu ngữ chào mừng chuyến thăm trên các đường phố ở Hà Nội.
Tờ báo nhấn mạnh, sự tiếp đón mà Đảng, Chính phủ, Nhà nước Việt Nam dành cho Tổng thống Putin "tương xứng với lịch sử hợp tác, gắn kết lâu đời giữa hai nước kể từ thời Liên Xô".
Ấn phẩm chỉ ra rằng, Nga và Việt Nam có mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống lâu đời, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật- quân sự, điều mà Nga khó có thể tìm kiếm ở các đối tác Đông Nam Á khác.
Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Trung Quốc cũng có bài viết bày tỏ ấn tượng trước tình cảm mà người dân Việt Nam dành cho nhà lãnh đạo Nga. Theo tờ báo này, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, cũng như hình ảnh ấm áp và gần gũi của nước Nga để lại nhiều thiện cảm trong lòng con người Việt Nam, nhất là khi nhiều thế hệ người dân Việt Nam đã học tập, làm việc tại Nga.
Trả lời phỏng vấn với tờ Global Times (Thời báo Hoàn cầu), giáo sư Li Haidong, Đại học Ngoại giao Trung Quốc, cho rằng chuyến đi báo hiệu cho sự phát triển quan hệ Việt - Nga, dựa trên lợi ích của hai quốc gia có chủ quyền, và sẽ có lợi cho sự ổn định và cân bằng trong khu vực.
Chia sẻ với tờ Global Times, ông Zhao Long, Phó giám đốc Viện Quản trị Toàn cầu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyến thăm này đối với nước Nga. Theo ông Zhao Long, chuyến thăm là minh chứng cho chính sách ngoại giao mới của Nga nhằm tăng cường hợp tác thiết thực với nhiều nước trên thế giới về năng lượng, lương thực, công nghệ và các lĩnh vực khác.
Trang mạng aljazeera.com đưa tin Việt Nam và Nga có quan hệ ngoại giao từ năm 1950 và năm nay hai nước kỷ niệm 30 năm ngày ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa LB Nga và CHXHCN Việt Nam (16/6/1994 - 16/6/2024). Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Putin khẳng định tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam là một trong những ưu tiên của Nga.
Báo The Washington Post của Mỹ cũng đưa tin về chuyến thăm của Tổng thống Nga đến Việt Nam. Bài viết dẫn đánh giá của Giáo sư Alexander Vuving tại Trung tâm Nghiên cứu an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương ở Honolulu, bang Hawaii, Mỹ, người cũng nghiên cứu chính sách đối ngoại của Việt Nam, cho rằng Việt Nam là quốc gia nằm ở vị trí chiến lược trong một khu vực quan trọng đang ngày càng thu hút được sự quan tâm của các cường quốc thế giới.
Trong khi đó, bài viết của hãng thông tấn AP của Mỹ cho rằng Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bài viết cũng đề cập đến đường lối ngoại giao "cây tre Việt Nam". Trong thời gian chưa đầy một năm qua, Việt Nam đã đón tiếp lãnh đạo của nhiều nước lớn, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nay là Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tiến sĩ Nigel Gould-Davies chuyên về vấn đề liên quan đến Nga và khu vực Á-Âu thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế, đồng thời là cựu Đại sứ Anh tại Belarus, cho biết ông "khá ấn tượng" về điều này, cho thấy vị thế của Việt Nam ngày càng tăng trên trường quốc tế.
Kênh CNN cũng đã dẫn lời bình luận của một chuyên gia tại Chương trình Nghiên cứu Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore): "Dưới góc nhìn của Việt Nam, Nga vẫn là đối tác quan trọng, có mối quan hệ lịch sử sâu sắc và có vai trò quan trọng trong chính sách quốc phòng, an ninh của Việt Nam". Vị chuyên gia này cũng đánh giá cao "khả năng duy trì chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa và theo đuổi chiến lược tự chủ" của Việt Nam.
Tương tự, tờ New York Times của Mỹ cho rằng chuyến thăm của Tổng thống Putin đã thể hiện rõ ràng đường lối "ngoại giao cây tre" của Việt Nam. Qua bài phỏng vấn của cơ quan này, một chuyên gia tại Tổ chức Khủng khoảng Quốc tế (Bỉ) đã nhận xét: "Việt Nam đã chứng tỏ khả năng duy trì mối quan hệ với tất cả các đối tác toàn cầu, bất chấp sự cạnh tranh và đối đầu giữa các cường quốc trên thế giới."
Đồng quan điểm, ông Nigel Gould-Davies, cựu đại sứ Anh tại Belarus đã nhận xét: "Việt Nam đã chứng tỏ rằng họ có thể duy trì sự cân bằng rất linh hoạt trong chính sách "ngoại giao cây tre" của mình. Trong vòng một năm, họ đã đón các chuyến thăm của nguyên thủ quốc gia ba quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, điều này khá ấn tượng."
Trong hai bài viết đăng cùng ngày, tờ Resumen Latinoamericano (Argentina), tờ báo cánh tả có uy tín tại Mỹ Latinh và Tây Ban Nha, cho biết tại buổi hội đàm với Chủ tịch nước Tô Lâm, Tổng thống Putin khẳng định tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga. Các tờ báo lớn khác của Argentina như Infobae và La Nacion cũng liên tục đưa tin và ảnh về các cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Putin với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Tô Lâm, cũng như các cuộc hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Nguyễn Đức (tổng hợp)