In bài viết

Truyền thông Triều Tiên đổi mới cách đưa tin chuyến công du của ông Kim Jong Un

(Chinhphu.vn) - Khác hẳn với những chuyến công du trước đây của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, thông tin về chuyến thăm tới Việt Nam lần này được đưa một cách đậm nét, dày đặc trên các phương tiện truyền thông của Triều Tiên.

28/02/2019 12:43

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Ga Đồng Đăng (Lạng Sơn)

Giới quan sát nhận định sự thay đổi của Triều Tiên trong việc đưa tin về hoạt động của nhà lãnh đạo Kim Jong Un tại Việt Nam cho thấy sự tự tin và nỗ lực thay đổi hình ảnh của quốc gia Đông Bắc Á này.

Trong ngày 27/2, trang web của Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đã đăng trang trọng trên trang nhất bài viết và bức ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong Un chụp cùng các nhân viên Đại sứ quán Triều Tiên ở Hà Nội. Thông tin được đăng chưa đầy một ngày sau khi ông Kim Jong Un tới thăm Đại sứ quán Triều Tiên trên phố Cao Bá Quát.

Thông tin chi tiết về lịch trình ngày làm việc đầu tiên tại Hà Nội của ông Kim Jong Un, bao gồm cuộc họp với quan chức phụ trách đàm phán với Mỹ trước hội nghị thượng đỉnh, cũng xuất hiện rộng rãi trên các tờ báo nhà nước Triều Tiên. Truyền thông nước này thậm chí còn thông báo lịch trình sắp tới của ông Kim Jong Un cũng như chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Báo Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Lao động Triều Tiên - đã dành toàn bộ trang nhất và trang thứ hai trong số báo ra ngày 27/2 đăng tải nhiều hình ảnh hoạt động của nhà lãnh đạo Kim Jong Un tại Việt Nam, từ lễ đón nồng nhiệt ở Đồng Đăng (Lạng Sơn) cho tới cuộc họp chiến lược trong phòng khách sạn và cuối cùng là cuộc gặp gỡ chụp ảnh cùng các em nhỏ tại Đại sứ quán Triều Tiên ở Hà Nội.

Nếu nhìn lại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên tại Singapore hồi tháng 6 năm ngoái, có thể thấy truyền thông nhà nước Triều Tiên giữ im lặng cho đến tận khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un tới "đảo quốc sư tử". Tuy nhiên, đối với chuyến công du lần này, các cơ quan truyền thông nhà nước đã bắt đầu đưa tin ngay từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un lên tàu xuất phát sang Việt Nam.

Cụ thể, Đài truyền hình Trung ương Triều Tiên (KCTV) đã phát sóng những thước phim quay lại cảnh nhà lãnh đạo nước này cùng đoàn tháp tùng lên tàu đi qua Trung Quốc hướng về Đông Nam Á. Thậm chí, phát thanh viên lâu năm của Triều Tiên, bà Ri Chun-hee, người được mệnh danh là “quý bà áo hồng”, cũng bất ngờ xuất hiện trong bản tin xác nhận nhà lãnh đạo Kim Jong Un lên đường sang Việt Nam chuẩn bị cho Hội nghị.

Đây được coi là một động thái khác thường khi Bình Nhưỡng trước đây thường không đưa tin về các chuyến công du và lộ trình của nhà lãnh đạo vì lý do an toàn. Ngoài ra, cách xử lý thông tin của truyền thông Triều Tiên về hoạt động ở Việt Nam lần này của nhà lãnh đạo Kim Jong Un cũng có sự khác biệt rõ rệt. Trước đây, họ thường đưa tin ngắn gọn trong các chuyến đi và chỉ cung cấp chi tiết sau khi nhà lãnh đạo đã về nước.

Trong chuyến đi Việt Nam lần này của nhà lãnh đạo Triều Tiên, truyền thông nhà nước Việt Nam cũng được tiếp cận, đưa tin sát sao về các hoạt động của ông Kim Jong Un. Không giống như tại Singapore - chỉ có một đoạn video trực tiếp ngắn ngủi phát sóng về cuộc gặp gỡ giữa nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Thủ tướng Lý Hiển Long, truyền thông nhà nước Việt Nam phát sóng đầy đủ và nhanh chóng các hoạt động của nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Nhận định về sự thay đổi trong cách thức đưa tin về hoạt động của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, Giáo sư Yang Moo-jin thuộc Đại học nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul (Hàn Quốc) cho rằng: "Triều Tiên dường như đang nỗ lực thể hiện họ là một quốc gia bình thường thông qua cách đưa tin như vậy của truyền thông. Điều này có thể nhằm mục đích cho thế giới thấy rằng sự thay đổi đang bắt đầu từ truyền thông của họ".

Giáo sư Lim Eul-chul - Giám đốc Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam (Hàn Quốc) - cũng cho rằng dường như truyền thông Triều Tiên đang xây dựng hình ảnh không chỉ với cộng đồng quốc tế mà cả trong nước. Theo chuyên gia này, nhà lãnh đạo Kim Jong Un dường như đang cố gắng chia sẻ với người dân các hoạt động ngoại giao của ông càng nhiều càng tốt, một động thái có thể được coi là nỗ lực để thu hút dư luận trong nước. Ông Lim nói: "Những thay đổi trong cách đưa tin của truyền thông có thể xuất phát từ nhu cầu đồng lòng với người dân hướng tới một quốc gia bình thường".

Cũng theo Giáo sư Lim Eul-chul, việc truyền thông Triều Tiên đưa tin nhanh chóng và dày đặc về chuyến đi Việt Nam của ông Kim Jong Un cũng có thể là một tín hiệu cho thấy sự tự tin của nhà lãnh đạo này trong việc hướng tới một kết quả đầy triển vọng tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai. Ông Lim Eul-chul nói: "Họ sẽ không đưa những thông tin có thể khiến người dân thất vọng nếu không tin tưởng vào kết quả cuộc gặp".

Ông Kim Jong Un lần đầu tiên trả lời trực tiếp phóng viên nước ngoài

Theo tờ The Guardian, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sáng 28/2 đã gây bất ngờ khi trực tiếp trả lời phỏng vấn một phóng viên nước ngoài.

Theo báo trên, phóng viên David Nakamura của tờ Washington Post (Mỹ) đã hỏi nhà lãnh đạo Triều Tiên: "Ông có tự tin sẽ đạt được thỏa thuận với Tổng thống Donald Trump không?". Ông Kim Jong Un đáp: "Còn quá sớm để nói về điều đó. Nhưng tôi cảm nhận là sẽ có một kết quả tốt”.

The Guardian nhận định đây có lẽ là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Triều Tiên trả lời trực tiếp một phóng viên phương Tây. Trong các chuyến công du trước đây tới Trung Quốc, ông Kim Jong Un được cho là đã không trả lời các phóng viên từ nước chủ nhà.

Trên trang Twitter cá nhân, phóng viên David Nakamura cũng đã nhận được rất nhiều lời chúc mừng sau khi anh đăng tải dòng trạng thái: "Tôi đã đặt câu hỏi và người phiên dịch đã chuyển ngữ. Ông Kim Jong Un đã trả lời bằng tiếng Triều Tiên và câu nói của ông ấy đã được dịch lại sang tiếng Anh".

BT