Trong hai ngày 7 và 8/10 tại tỉnh Quảng Ninh, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NNN&PTNT ông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức "Hội thảo tập huấn định hướng thông tin, truyền thông về phòng, chống thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm".
Để giảm thiểu rủi ro thiên tai đối với trẻ em cần phải tiếp tục thực hiện chương trình ứng phó với các trường hợp khẩn cấp thông qua giáo trình trường học an toàn, cung cấp bộ dụng cụ phát triển trẻ thơ khẩn cấp, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tâm lý xã hội sau thiên tai, khám sàng lọc suy dinh dưỡng cấp tính nặng, cung cấp vật tư về nước sạch vệ sinh phục vụ trẻ em...
Bà Nguyễn Thị Thúy Ái, Phó Giám đốc Ban quản lý giảm nhẹ rủi ro thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu lấy trẻ em làm trung tâm (UNICEF tại Việt Nam) chia sẻ: "Đối với trẻ em chúng ta không thể nói với các em phải làm như thế nào mà nên để cho các em tự cảm nhận rằng thấy mình sẽ phải làm gì và học kiến thức ứng phó thiên tai thông qua các chương trình giải trí như trò chơi. Trong khuôn khổ của dự án chúng tôi tiến hành các hoạt động ngoại khóa trong nhà trường bằng những trò chơi, những cuộc thi. Theo đó không đưa ra những khái niệm mang tính trừu tượng khó hiểu mà đối với trẻ em mà chúng tôi đưa ra những hành động cụ thể như khi có thiên tai, bão thì em nên làm gì".
Các tham luận tại hội nghị thống nhất cao với nhận định: "thông tin phải đi trước 1 bước, phải nhanh hơn thiên tai, bão lũ và đến được với tất cả mọi người". Nhiều đại biểu nêu các nội dung cần tập trung khai thác đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai; cung cấp một số thông tin mới về định hướng chiến lược, giải pháp cũng như hệ thống văn bản pháp luật về phòng, chống thiên tai mới được ban hành…
Ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, đợt bão số 4 (bão Noru) vừa qua, các cơ quan thông tấn, báo chí đã khẳng định vai trò to lớn của mình trong việc kịp thời đưa tin dự báo, cảnh báo và khuyến cáo kỹ năng để bà con chủ động phòng tránh. Chính sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan báo chí đã góp phần vào sự hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó từ cấp Trung ương đến địa phương, giảm thiểu thiệt hại do bão tới mức tối đa.
Ông Đặng Khắc Lợi nhấn mạnh: "Các cơ quan báo chí đã tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Chính phủ trong công tác phòng ngừa đã thông tin tuyên truyền đầy đủ về dự báo cảnh báo thiên tai, nhất là chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương về việc ứng phó với thiên tai, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra thường xuyên cập nhật phổ biến những thông tin mới để cảnh báo đến người dân về cơn bão số 4 (Noru) vừa qua các cơ quan báo chí vào cuộc rất tích cực trong vòng khoảng 10 ngày thì đã có khoảng 5.690 tin bài của 215 cơ quan báo chí. Đây là số lượng rất lớn".
Theo ước tính, bình quân trong vòng 20 năm trở lại đây, mỗi năm thiên tai gây thiệt hại về kinh tế từ 1% đến 1,5% GDP; khiến gần 329 người chết và mất tích, trong đó các đối tượng dễ bị tổn thương là trẻ em bị ảnh hưởng và chịu tác động từ thiên tai chiếm 35%.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phỏ Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai khẳng định, trong mạng lưới thông tin về phòng chống thiên tai, các cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương đến địa phương là lực lượng nòng cốt, với mối quan hệ mật thiết với cơ quan phòng, chống thiên tai các cấp, cùng đa dạng nội dung và hình thức truyền tải với nhiều loại hình như: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, báo ảnh và các ứng dụng mạng xã hội trong truyền thông.
Ông Nguyễn Văn Tiến cho biết: "Hàng năm có 35% trẻ em chịu ảnh hưởng từ thiên tai, do vậy cần xác định được những rủi ro thiên tai mà trẻ em dễ bị tổn thương nhất trên cơ sở đó có các giải pháp ứng phó hiệu quả".
Đỗ Hương