![]() |
Đại lộ Thăng Long |
Đến nay, hai đường gom cơ bản hoàn thành, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quyết định giao Sở GTVT Hà Nội tạm thời quản lý, tổ chức giao thông trên phạm vi toàn dự án.
Bộ cũng chỉ đạo Sở GTVT Hà Nội triển khai tuyên truyền về tổ chức giao thông trên tuyến đến các quận, huyện có tuyến đường đi qua.
Sở cần tăng cường lực lượng để hướng dẫn, kiểm tra đến mọi đối tượng liên quan trước khi thực hiện các quy định về tổ chức giao thông. Xem xét lại toàn bộ hệ thống biến báo, biển chỉ dẫn để tổ chức cắm và hướng dẫn các đối tượng tham gia giao thông.
Lãnh đạo Bộ cũng đã yêu cầu nhà thầu thi công Vinaconex sớm hoàn thành các phần việc còn lại, đặc biệt chú ý các hạng mục như bạt lề, vệ sinh thoát nước, thảm bê tông nhựa, hầm chui, rào chắn, điện chiếu sáng... cũng như kiểm tra, sửa chữa các điểm không đảm bảo chất lượng xong trước ngày 15/11/2010.
Về tổ chức giao thông, Bộ đề nghị Sở GTVT Hà Nội sớm ban hành quy định về tổ chức giao thông trên tuyến và tổ chức giao thông trên đường gom theo phương án mỗi đường gom sẽ gồm 1 làn dành cho ô tô đi một chiều và 2 làn cho xe máy và xe thô sơ đi hai chiều (dự kiến áp dụng từ ngày 15/11/2010).
Từ ngày 16/11/2010, chính thức đưa đại lộ Thăng Long vào khai thác theo đúng yêu cầu thiết kế và tổ chức kiểm tra, xử phạt theo Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Như đã đưa tin, ngày 3/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức phát lệnh thông xe Đại lộ Thăng Long sau 5 năm thi công. Đây là đại lộ dài nhất và hiện đại nhất Việt Nam hiện nay với tồng chiều dài gần 30 km, rộng 140m.
Đại lộ Thăng Long có điềm đầu là Km1 800 (giao cắt giữa vành đai 3 Hà Nội với đường Láng-Hòa Lạc tại nút giao thông Trung Hòa) và điểm cuối là nút giao thông Hòa Lạc Km 31 064 (giao cắt với Quốc lộ 21 – đường Hồ Chí Minh). Tổng mức đầu tư của dự án là 7.527 tỷ đồng.
Linh Đan