In bài viết

Tu bổ Chùa Cầu: Giữ gìn được tính nguyên gốc, giá trị cốt lõi của di tích

(Chinhphu.vn) - Sau hơn 19 tháng triển khai thi công, đến nay công tác tu bổ Chùa Cầu (TP. Hội An) đã hoàn thành, nhưng đã có những ý kiến trái chiều về "diện mạo mới" của Di tích. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An - đơn vị chủ trì thực hiện dự án đã thông tin để cộng đồng và người dân hiểu rõ hơn về kết quả cũng như quá trình tu bổ di tích Chùa Cầu.

30/07/2024 16:56
Tu bổ Chùa Cầu: Giữ gìn được tính nguyên gốc, giá trị cốt lõi của di tích- Ảnh 1.

Di tích Chùa Cầu sau khi được tu bổ - Ảnh: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Theo Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, di tích Chùa Cầu đã trải qua 400 năm tồn tại, mặc dù được các thế hệ cư dân Hội An trân trọng, gìn giữ cẩn thận nhưng dưới tác động khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên và thời gian, di tích vẫn không tránh khỏi những hư hại, xuống cấp.

Nhiều tư liệu cho biết, từ khi được xây dựng đến cuối thế kỷ 20, Chùa Cầu đã được tu bổ ít nhất 7 lần vào các năm 1763, 1817, 1875, 1915, 1962, 1986, 1996. Dù vậy, do những hạn chế về điều kiện kỹ thuật và nhiều yếu tố khách quan khác nên những lần tu bổ gần đây vẫn chưa giải quyết căn cơ đối với những nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp di tích. Vì vậy, vấn đề tu bổ Chùa Cầu tiếp tục được đặt ra và ngày càng cấp thiết.

Trước sự xuống cấp ngày càng nghiêm trọng của Chùa Cầu, ngày 16/8/2016, Hội An tổ chức hội thảo quốc tế tham vấn ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về tu bổ di tích kiến trúc gỗ trong nước và Nhật Bản. Các ý kiến thống nhất quan điểm chung là cần thiết và cấp thiết phải xây dựng một dự án tu bổ tổng thể, căn cơ vì mục tiêu gìn giữ nguyên vẹn và lâu dài giá trị di tích Chùa Cầu.

Từ đó, công tác chuẩn bị tu bổ Chùa Cầu được tập trung đẩy mạnh trên nhiều phương diện về nghiên cứu lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật; khảo sát, khảo cổ đánh giá tình trạng kỹ thuật, dấu vết nguyên trạng; vẽ ghi, số hóa kiến trúc; xác định quan điểm, nguyên tắc, giải pháp tu bổ; tham vấn chuyên gia; tổ chức lập, thỏa thuận, thẩm duyệt hồ sơ…

Tu bổ Chùa Cầu: Giữ gìn được tính nguyên gốc, giá trị cốt lõi của di tích- Ảnh 2.
Tu bổ Chùa Cầu: Giữ gìn được tính nguyên gốc, giá trị cốt lõi của di tích- Ảnh 3.

Hình ảnh di tích Chùa Cầu trước và sau khi tu bổ - Ảnh: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Ngày 28/12/2022, dự án tu bổ di tích Chùa Cầu được khởi công. Với quan điểm và giải pháp tu bổ xuyên suốt dự án là giữ gìn sự nguyên vẹn của tổng thể hình thức kiến trúc và kết cấu, từng bộ phận, cấu kiện, hiện vật nguyên gốc, có giá trị lịch sử được gìn giữ ở mức tối đa có thể. Theo đó, có gần 60% khối lượng gỗ, gần 30% số viên ngói, 80% số đĩa cổ, 20% cấu kiện đá nền, 35% số con giống trang trí bờ mái,… được gìn giữ, tái định vị tại di tích sau khi tu bổ.

Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cho biết, một vấn đề luôn nhận được sự quan tâm của những ai yêu mến di sản kiến trúc nói chung, di tích Chùa Cầu nói riêng; đồng thời cũng là nỗi đắn đo, trăn trở của những người trực tiếp thực hiện dự án, đó là làm thế nào, sau lần đại trùng tu này, Chùa Cầu vẫn giữ được nét cổ kính, vẻ đẹp nhuốm màu thời gian như chúng ta vẫn từng chiêm ngưỡng.

Theo đó, màu sắc hoàn thiện sau tu bổ của Chùa Cầu được giữ nguyên màu hiện trạng của tất cả cấu kiện gỗ, bao gồm cả những chi tiết chạm khắc trang trí, hoành phi, liễn đối, không sơn vẽ gì thêm; cấu kiện thay mới hoặc thành phần gia cố chỉ quét phủ chất bảo quản không màu. Tương tự phần thân mố, trụ cầu cũng hoàn toàn giữ nguyên không can thiệp về màu sắc.

Riêng đối với phần tường và chi tiết trang trí trên mái gần như đã phai màu hoàn toàn, trong khi cấu trúc vật liệu của chúng đều được làm từ gạch ngói, vữa vôi phần lớn đã bị mục mủn, mất liên kết. Vì vậy, việc phục hồi màu sắc cho tường và trang trí mái là cần thiết. Thực tế màu sắc của hệ trang trí mái Chùa Cầu được tu bổ, phục hồi dựa theo một số rất vị trí hiện tồn màu sắc nguyên trạng, kết hợp với kết quả nghiên cứu, khảo sát các công trình tín ngưỡng truyền thống tương tự ở Hội An như đề xuất của các chuyên gia qua các lần tham vấn, tọa đàm.

Theo ông Phạm Phú Ngọc, việc phục hồi màu sắc, dù thế nào cũng không thể tránh làm cho di tích có phần "mới" ra, nhưng điều quan trọng hơn là đã giữ gìn được tính nguyên gốc, đảm bảo tính nguyên tắc trong tu bổ di tích phù hợp với bản chất vốn có của di tích. Để rồi theo thời gian, Chùa Cầu lại trở về với nét cổ kính, trầm mặc như đã từng trải qua trong lịch sử sau những lần trùng tu.

Tu bổ Chùa Cầu: Giữ gìn được tính nguyên gốc, giá trị cốt lõi của di tích- Ảnh 4.
Tu bổ Chùa Cầu: Giữ gìn được tính nguyên gốc, giá trị cốt lõi của di tích- Ảnh 5.

Hình ảnh trước và sau khi tu bổ di tích Chùa Cầu - Ảnh: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Trong bài viết đánh giá về kết quả trùng tu Chùa Cầu, TS. Trần Đức Anh Sơn-một chuyên gia về công tác bảo tồn, cho rằng đội ngũ trùng tu Chùa Cầu đã thực hiện bài bản, khoa học, nghiêm túc và kết quả trùng tu là tốt đẹp, trả lại cho Hội An một Chùa Cầu đúng với diện mạo, hình hài bản thể nhưng vững chãi hơn, kiên cố hơn.

Theo TS. Trần Đức Anh Sơn, màu sắc có vẻ mới của Chùa Cầu sau khi trùng tu sẽ "trầm lại" chỉ sau vài mùa mưa nắng. Điều quan trọng là những giá trị cốt lõi của Chùa Cầu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, cùng các giá trị tình cảm và giá trị sử dụng lâu dài vẫn tồn tại với cộng đồng, quốc gia và nhân loại.

Nhật Anh