In bài viết

Từ các vụ TNGT: Người trong nghề nói gì?

(Chinhphu.vn) – Những vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng gần đây một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động và đòi hỏi toàn xã hội phải có hành động quyết liệt hơn nữa nhằm giảm mạnh các vụ việc này.

17/06/2013 11:18

Nhiều lái xe và chủ doanh nghiệp vận tải - những người trong nghề đã lên tiếng về vấn đề này.

Mặc dù làm nghề nhiều năm, có nhiều kinh nghiệm ứng phó với những tình huống trên đường, song khi nghe những thông tin về một loạt các vụ TNGT vừa qua, ông Hà Mạnh Linh (Hoa Lư, Ninh Bình) cũng chưa hết bàng hoàng, do các vụ việc làm nhiều người thiệt mạng và rất nhiều người khác bị thương tật.

Vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng ngày 8/3 tại Cam Ranh, Khánh Hòa là do cả hai xe khách đã chạy quá tốc độ, xe biển số tỉnh Quảng Ngãi chạy lấn đường

Cần quy trách nhiệm với chủ doanh nghiệp vận tải

Theo ông Linh, đa số các vụ TNGT xảy ra trong thời gian qua rơi vào các chuyến xe khách chạy tuyến cố định, xe khách đường dài chạy nhanh, vượt ẩu. Điều này xuất phát từ nguyên nhân chính là do lái xe được chủ xe thuê khoán chạy theo doanh thu. Vì phải chạy theo doanh số, đủ tiền nộp về công ty đồng thời có lợi nhuận, các lái xe dù biết không đảm bảo an toàn vẫn buộc phải “nhắm mắt chạy liều”.

“Xe chạy với tốc độ cao khiến lái xe khó mà phản ứng kịp thời trước những tình huống nguy hiểm. Bên cạnh đó, do lái xe chạy xe liên tục nên dễ buồn ngủ và tai nạn rất dễ xảy ra”, ông Linh nói.

Ông Linh cho rằng việc khoán xe đã khiến lái xe chịu sức ép từ chính các chủ xe. Do đó, ông Linh nhấn mạnh việc cần phải có chế tài buộc các chủ doanh nghiệp vận tải phải chịu trách nhiệm hình sự (hoặc liên đới) khi phương tiện của họ để xảy ra TNGT.

Bên cạnh đó, khi cấp phép cho các doanh nghiệp xe khách chạy theo tuyến cần có quy định cụ thể nhằm khống chế thời gian xuất bến, thời gian nhập bến. “Chẳng hạn với tuyến xe khách Hà Nội – Quảng Ninh, dựa vào độ dài quãng đường, tốc độ trung bình, thời gian xuất bến, ước tính và đưa ra thời gian được phép nhập bến. Nếu xe đến bến trước thời gian quy định, xe sẽ không được nhập bến”, ông Linh đề xuất.

Ngoài ra, ông Linh cho rằng tại các bến xe khách, nên có thông báo thống kê tai nạn của các nhà xe khác nhau, như vậy hành khách sẽ chọn xe của hãng ít bị tai nạn nhất. Khi đó, trước việc chạy nhanh để tăng lợi nhuận và đảm bảo an toàn cũng như uy tín của hãng xe, các doanh nghiệp vận tải sẽ lựa chọn giải pháp thứ 2.

Giữ an toàn trên những cung đường đêm

Một thực tế những vụ tai nạn nghiêm trọng thường xảy ra vào ban đêm, thời điểm này đường vắng, phụ xe có thể bắt khách thoải mái, chạy với tốc độ tối đa nhưng họ lại không lo nhiều đến việc bị lực lượng chức năng bắn tốc độ, xử phạt. Ngoài ra, do chạy đêm nên tài xế dễ ngủ gật khiến xảy ra không ít vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Trần Xuân Lộc, tài xế xe khách tuyến Hà Nội – Nghệ An, cho biết hiện nay, hầu hết các xe khách xuất bến với hành trình dài từ 300 km trở lên đều xuất phát vào tối hoặc đêm. Điều này được lý giải là xuất phát từ nhu cầu của hành khách nhằm tiết kiệm thời gian.

Đề xuất giải pháp hạn chế TNGT với các chuyến xe khách chạy ban đêm, ông Lộc cho rằng các nhà xe cần thực hiện đúng theo quy định hiện hành, đó là: xe khách chạy đường dài trên 300 - 500km thì phải có 2 tài xế thay phiên điều khiển xe và trên 500km phải có 3 tài xế. Ngoài ra, các doanh nghiệp vận tải cần có trạm dừng giữa đường, bố trí cho tài xế xuống trạm dừng để nghỉ ngơi hoặc ngủ lấy lại sức, sau đó thay đổi tài xế cho xe sau thì tài xế điều khiển xe trước và cả xe sau sẽ an toàn hơn.

Bên cạnh đó, công tác quản lý tại các bến xe khách cũng cần được thắt chặt. Các bến xe khách phải kiên quyết không cho xuất bến đối với những xe hoặc lái xe không đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật (nhất là đối với lái xe sử dụng rượu bia, chất kích thích). Không xác nhận và không cho xe xuất bến đối với các lái xe không đúng tên ghi trong sổ nhật trình do đơn vị kinh doanh vận tải điều động.

Ngoài ra, ông Lộc còn đưa ra giải pháp lắp dây đai an toàn cho xe khách. “Việc này sẽ bảo vệ hành khách không bị các chấn thương nặng như chấn thương cổ, cột sống, gãy xương sườn, gãy tay, chân khi xe gặp nạn lăn xuống vực, xuống ruộng, hay bị lật trên đường. Các xe khách chạy đường đèo, đồi núi cần phải lắp dây an toàn ở tất cả các ghế ngồi”, ông Lộc kiến nghị.

Lắng nghe hơn nữa ý kiến từ chính người lái xe

Là chủ một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, cho rằng trong các vụ TNGT, lái xe, người điều khiển phương tiện giao thông phải chịu trách nhiệm trước tiên.

Nhưng theo ông Kế, những yếu tố liên quan khác cũng là nguyên nhân không nhỏ trong các vụ TNGT như: Mật độ người và phương tiện tham gia giao thông quá đông, quá tải với điều kiện cơ sở hạ tầng, chất lượng đường xá; các bảng biển chỉ dẫn cảnh báo, lực lượng trực tiếp điều hành kiểm tra hướng dẫn giao thông (CSGT)...

Bên cạnh những nguyên nhân trên, theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội, không thể không nhắc đến các nguyên nhân từ chủ các doanh nghiệp vận tải; hệ quả của việc đào tạo lái xe, việc tuyển chọn, quản lý lái xe chưa nghiêm; việc điều hành giám sát vận tải, thanh tra kiểm tra, kiểm định kỹ thuật an toàn còn nhiều thiếu sót…

Về vai trò quản lý, giám sát của Sở Giao thông vận tải (GTVT) các tỉnh, thành phố, ông Liên cho rằng các Sở GTVT cũng phải chịu trách nhiệm khi các doanh nghiệp vận tải đăng ký trên địa bàn gây tai nạn ở bất kể địa phương nào.

“Qua truyền hình, khi tai nạn xảy ra tôi chỉ thấy lực lượng áo vàng (CSGT), áo trắng (nhân viên y tế) và nhân dân ra giải quyết hậu quả. Nhưng cầu đường và phương tiện do ngành GTVT quản lý, nên khi xảy ra TNGT cần có sự có mặt của lãnh đạo lĩnh vực giao thông địa phương như Thanh tra GTVT, Văn phòng Uỷ ban ATGT địa phương. Có như vậy việc hỗ trợ khắc phục hậu quả TNGT mới kịp thời, hiệu quả”, ông Liên nói.

Ông Liên cũng nhấn mạnh các cơ quan chức năng cần tăng cường khảo sát, lắng nghe hơn nữa ý kiến từ chính các lái xe, từ các doanh nghiệp vận tải để đưa các giải pháp giảm TNGT phù hợp với thực tế của Việt Nam.

Phòng Thông tin phản ánh của tổ chức và công dân