|
Cuối cùng thì câu chuyện "lình xình" trong nộp tiền sử dụng đất ở khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng cũng đã có được một quyết định cụ thể: Nhà đầu tư phải có nghĩa vụ tài chính nộp tiền sử dụng đất. Theo Quyết định này, (như báo TN&MT đã đưa tin) chủ đầu tư phải nộp tiền sử dụng đất, người mua nhà được quyền sử dụng đất lâu dài, ổn định và không phải nộp tiền sử dụng đất hay khoản chênh lệch nào khác. Điều đáng nói là, Quyết định này phải do chỉ đạo từ cơ quan cao nhất xuống.
Thực tế cho thấy, câu chuyện về việc người dân ở khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng "bỗng nhiên mất ngủ" khi bị "kêu" nộp tiền sử dụng đất hơn hai năm trước kéo dài cho đến nay là hệ quả của tình trạng khung pháp lý chưa được rõ ràng. Suốt một thời gian dài chúng ta huy động các thành phần kinh tế (cả trong nước lẫn nước ngoài) đầu tư vào phát triển nhà ở, khu đô thị mới, nhưng các chính sách hỗ trợ cho nó lại không theo kịp và không đầy đủ. Thế nên, việc xác định các nghĩa vụ với Nhà nước của các đối tượng sử dụng đất có một thời gian đã bị buông lỏng.
Có một nghịch lý là đất đai ở Việt Nam đều của Nhà nước, nhưng Nhà nước không những không huy động được giá trị cực lớn của đất đai mà lại phải chi rất nhiều tiền khi đền bù thu hồi đất để xây dựng kết cấu hạ tầng và các công trình đền bù công cộng khác. Nhiều nơi tiền đền bù gấp 9-10 lần tiền xây đường. Trong rất nhiều trường hợp, đất đai vô giá đã trở thành vô chủ, được các cơ quan hành chính ban phát theo cơ chế xin - cho và một số người có chức quyền sử dụng làm của trục lợi, bị kẻ đầu cơ mua bán lại kiếm lời bất chính. Ở trường hợp Phú Mỹ Hưng, "chỉ có giới đầu cơ là không thua thiệt" - như nhiều lời than vãn của các khổ chủ - cũng là điều dễ hiểu. Nhớ lại cảnh xếp hàng từ nửa đêm, chen nhau để mua tại khu đô thị này hơn một năm trước mới thấy các chính sách về quản lý đất đai, thị trường BĐS vẫn còn nhiều kẽ hở. Người dân khi đó cứ vô tư tung tiền để mua, còn người bán thì "oách" như cô mậu dịch viên cửa hàng bách hóa thời bao cấp. Chẳng cần biết những cam kết thế nào, thông tin về nơi mình mua ra sao, miễn là giành được một suất. Và trước những diễn biến của thị trường kiểu như thế, cũng chẳng thấy cơ quan quản lý nào để mắt, tìm hiểu để từ đó có những chính sách điều chỉnh kịp thời.
Thực tế cho thấy, hầu như các nhà quản lý đều vẫn bị động trước những cơn sốt bất động sản; bất lực, chưa có được những biện pháp hữu hiệu tác động, điều tiết, chưa "điều hòa được nhiệt độ" của thị trường này. Hậu quả là nền kinh tế nói chung bị tổn thất không nhỏ. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nếu cứ để tình trạng quản lý đất đai như hiện nay, không những Nhà nước bỏ phí những nguồn lực rất lớn mà còn làm cho bất công và bất bình xã hội tăng lên.
Rõ ràng, tất cả những nảy sinh trong các quan hệ, giao dịch BĐS đang còn bỏ ngỏ bởi thiếu một hành lang pháp lý thống nhất cho sự vận hành của thị trường này. Nhìn tổng thể, từ khung pháp lý đến các công cụ quản lý qui hoạch, đăng ký, cấp quyền sử dụng đất, chế tài xử lý ... thời gian qua đều tỏ ra bị động trước sự phát triển mạnh mẽ của thị trường BĐS.
Nhìn ngược lại câu chuyện của Phú Mỹ Hưng ở thời điểm này sẽ thấy: Con đường pháp lý chỉ có một. Thế nhưng, những người dân tại khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng đã phải một phen lao đao bởi các "trát" đòi tiền bỗng lù lù hiện đến. Ngay các cấp quản lý cũng lúng túng không biết phải hành xử thế nào trong một thời gian dài. Và cuối cùng, đích thân cơ quan cao nhất - Chính phủ - phải ra tay.
Rõ ràng, khi mà bộ máy quản lý Nhà nước liên quan đến thị trường bất động sản còn chưa xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý Nhà nước thì sẽ vẫn còn tình trạng nhiều cơ quan quản lý cùng gián tiếp chỉ đạo hoạt động của thị trường này, mỗi cơ quan một mảng nhưng khi "có vấn đề" xảy ra thì lại không có cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm chính.
Cẩm Tú