Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thảo luận, cân nhắc rất nhiều lần khi thực hiện quyết định này.
“Đứng trước bài toán nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo thì phải có đầu tư cần thiết. Với mức học phí như hiện tại không đáp ứng được việc nâng cao kỹ năng, nhận thức cho học sinh, sinh viên được”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết với những trường ĐH tự chủ cũng không có chuyện muốn tăng bao nhiêu học phí thì tăng. Trong phương án trường tự quyết định học phí thì phải có kế hoạch, đề án gửi các Bộ liên quan phê duyệt xem có phù hợp với chất lượng giáo dục không thì mới được thực hiện.
Một việc khác nữa mà Chính phủ đã thực hiện nhiều năm qua là các chính sách tín dụng học đường, miễn, giảm học phí, cung cấp học bổng của Nhà nước, học bổng của các nhà trường, của các tổ chức chính trị- xã hội và nhiều cá nhân. Các chính sách này đang phát huy nhiều tác dụng, giảm gánh nặng học phí cho xã hội. Nếu vay ưu đãi để đi học, sau này ra trường, sinh viên có tiền sẽ trả lại cho Nhà nước để phục vụ các sinh viên khác.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho biết tự chủ đã được Chính phủ thực hiện thí điểm từ 5 năm trước tại 4 trường Đại học là Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, Đại học Kinh tế TPHCM, Đại học Hà Nội và Đại học Ngoại thương.
Tới nay, Bộ GD&ĐT đã tổ chức sơ kết, đánh giá việc tự chủ của 4 trường này và Thủ tướng có quyết định số 57 quy định về tự chủ của trường Đại học trong giai đoạn mới. Theo đó có thêm 2 trường được thực hiện tự chủ nữa là Đại học Tài chính Marketing (của Bộ Tài chính) và Trường Đại học Tôn Đức Thắng (thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).
Thành Chung