In bài viết

'Tự chủ tài chính là tiền đề tự chủ đại học'

(Chinhphu.vn) - Tự chủ đại học chính là “hơi thở”, là “cuộc sống” của các cơ sở đào tạo đại học vì bảo đảm được xu hướng tự do trong huy động các nguồn lực về nhân sự và tài chính tốt nhất nhằm phát triển học thuật hiệu quả.

28/11/2020 13:00


PGS.TS. Nguyễn Trọng Cơ, Giám đốc Học viện Tài chính.

Đó là khẳng định của PGS.TS. Nguyễn Trọng Cơ, Giám đốc Học viện Tài chính – người am hiểu và có nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi, áp dụng về các nội dung chính của tự chủ đại học. Tự chủ tài chính - được xem là tiền đề quan trọng, chi phối tới khả năng hoàn thiện toàn bộ các nội dung tự chủ khác.

PGS.TS. Nguyễn Trọng Cơ cho rằng thực hiện cơ chế tự chủ tại các cơ sở đào tạo đại học là một trong những điều kiện rất cần thiết để có thể triển khai và thực hiện phương thức quản trị đại học tiến tiến, qua đó, giúp cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo đại học.

Tự chủ đại học chính là “hơi thở”, là “cuộc sống” của các cơ sở đào tạo đại họcvì nó đảm bảo được xu hướng tự do trong huy động các nguồn lực về nhân sự và tài chính tốt nhất nhằm phát triển học thuật hiệu quả. Tự chủ đại học cho phép cơ sở đào tạo có thể thoát ra khỏi cơ chế xin-cho, những quy định cứng nhắc, nặng nề và quan liêu về quản lý, đào tạo, tuyển sinh, tài chính, nghiên cứu khoa học…

“Trong bối cảnh Việt Nam, tự chủ đại học có thể ví như Khoán 10 trong nông nghiệp, giúp cởi trói cho cơ sở đào tạo, giúp đại học làm chủ vận mệnh của mình, bởi cũng giống như người nông dân, các cơ sở đào tạo phải có quyền quyết định canh tác như thế nào trên chính “mảnh đất” của mình để đạt được hiệu quả cao nhất dưới sự hướng dẫn và chiến lược phát triển chung của đất nước trong khuôn khổ Luật Giáo dục đại học”, Giám đốc Học viện Tài chính nói.

Trong bốn nội dung chính của tự chủ đại học là tự chủ về tổ chức, tự chủ về tài chính, tự chủ về nhân sự, tự chủ về học thuật thì tự chủ về tổ chức và tự chủ về tài chính được xem là những tiền đề quan trọng, có khả năng hoàn thiện toàn bộ các nội dung tự chủ khác như tự chủ nhân sự và tự chủ học thuật.

PGS.TS. Nguyễn Trọng Cơ cho hay tình hình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các cơ sở đào tạo đại học công lập Việt Nam nhìn chung là khá thấp. Với tỷ lệ tự chủ chi thường xuyên không cao, các cơ sở đào tạo không thể đảm bảo đủ nguồn lực để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và đảm bảo thu nhập tăng thêm cho cán bộ, giảng viên hàng năm.

Đặc biệt, nhu cầu vốn cho đầu tư xây dựng cơ bản để gia tăng mở rộng ký túc xá, đầu tư thêm giảng đường cải thiện điều kiện học tập của sinh viên ở các cơ sở đào tạo đại học công lập hiện nay vẫn đang nằm ngoài khả năng tài chính của các cơ sở đào tạo. Đây là một rào cản lớn cho công tác thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn, nhất là ở những cơ sở đào tạo đại học công lập hiện tại có cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, chưa hoàn thiện, di chuyển thay đổi địa điểm nơi đào tạo nhiều lần, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước khó khăn chưa thể bố trí vốn đáp ứng được cho nhu cầu này.

Thêm vào đó, các cơ sở đào tạo cơ bản chưa tự chủ về thu, đặc biệt là thu học phí, mức thu học phí vẫn theo lộ trình quy định của Nhà nước, tuy gần đây mức thu học phí có linh hoạt cho các lớp chất lượng cao nhưng điều này vẫn chưa mang tính phổ biến; việc trả lương cho giảng viên vẫn chủ yếu theo lương cấp bậc, phụ thuộc vào thang bảng lương theo quy định của Nhà nước. Điều này có thể hạn chế trong việc thu hút các giảng viên tài năng trong bối cảnh doanh nghiệp đã và đang trả lương rất cao và linh hoạt.

“Đó là chưa kể việc ràng buộc trong cơ chế tuyển dụng các chuyên gia giảng dạy và nghiên cứu hàng đầu trên thế giới vào trường làm việc. Sở hữu bất động sản và kinh doanh tài chính đối với các cơ sở đào tại là điều không thể vì bất động sản phải tuân theo pháp luật công sản, còn kinh doanh tài chính (có thể có chuyên môn với các cơ sở đào tạo khối kinh tế) lại chưa có cơ chế rõ ràng về quyền hạn và trách nhiệm để chính thức hóa các hoạt động kinh doanh này theo mô hình doanh nghiệp. Tóm lại, các cơ sở đào tạo vẫn chỉ lấy hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học là chính, còn mô hình hoạt động theo kiểu doanh nghiệp là hầu như chưa có”, PGS.TS. Nguyễn Trọng Cơ cho hay.

Thầy Nguyễn Trọng Cơ cũng cho biết tự chủ tài chính trong giai đoạn vừa qua đã dần trở thành con đường dẫn dắt cơ sở đào tạo đại học công lập ở Việt Nam tiến gần hơn tới tự chủ đầy đủ theo cả bốn nội dung, nhằm hội nhập với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, quá trình thực hiện tự chủ tài chính tại các cơ sở này còn nhiều vướng mắc. Trong đó cần kể đến là: Sự chưa đồng bộ giữa các văn bản thể chế trong đào tạo đại học, tự chủ tài chính, cũng như việc thực hiện các quy định này trên thực tiễn. Ví dụ, quy định về phụ cấp đặc thù cho ngành giáo dục, hay việc thực hiện quy định về Hội đồng trường theo Luật Giáo dục đại học trên thực tiễn còn khá mờ nhạt, mang tính hình thức. Bên cạnh đó, còn nhiều hạn chế ràng buộc về nguồn thu của các cơ sở đào tạo; sự thiếu đồng bộ trong quản lý tài chính, kế toán với quản lý đào tạo đại học; việc đánh giá, nâng cao chất lượng đào tạo gắn với chi phí đào tạo chưa được quan tâm nghiên cứu thấu đáo…

PGS.TS. Nguyễn Trọng Cơ đã đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả tự chủ tài chính trong đào tạo đại học.

Đó là, cần điều chỉnh cơ cấu chi ngân sách Nhà nước theo hướng tăng chi đầu tư, giảm chi thường xuyên; đồng thời điều chỉnh cơ cấu chi ngân sách Nhà nước giữa các ngành học, ưu tiên các ngành học có ít khả năng xã hội hóa, nhưng cần thiết cho sự phát triển của đất nước như khoa học cơ bản, kỹ thuật.

Chú trọng bố trí nguồn lực đầu tư đào tạo đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý cả số lượng và chất lượng, cả chuyên môn và đạo đức, vì đây là đội ngũ nòng cốt tác động trực tiếp vào chất lượng đào tạo. Đào tạo và xây dựng được một đội ngũ giảng viên giỏi là rất công phu và phải có cơ chế, chính sách sử dụng, đãi ngộ cho đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục có tài năng để họ cống hiến suốt đời cho sự nghiệp đào tạo.

Bãi bỏ quy định trần học phí, thay vào đó là quy định sàn học phí, dựa trên kết quả xác định chi phí đào tạo, gắn với một mức chất lượng đào tạo cam kết cụ thể. Chất lượng đào tạo và chi phí đào tạo có mối quan hệ ràng buộc nhưng không biện chứng. Không phải cứ chi phí cao là có chất lượng cao, nhưng chắc chắn không thể có chất lượng đào tạo cao với chi phí đào tạo thấp. Chi phí đào tạo luôn gắn với một mức chất lượng cụ thể.

Theo PGS.TS. Nguyễn Trọng Cơ, đứng trước bối cảnh nâng cao mức độ tự chủ trên tất cả các mặt hoạt động, gắn với trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo, việc để các cơ sở đào tạo đại học công lập tự xác định chi phí đào tạo, xác định và công bố giá dịch vụ đào tạo chính là minh chứng và biểu hiện rõ ràng nhất.

“Tuy vậy, muốn tự chủ được, các cơ sở cần nhất là nâng cao chất lượng dịch vụ: Điều kiện tiên quyết để các cơ sở có thể đứng vững, tồn tại và nâng cao hiệu quả hoạt động trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay là tăng cường chất lượng dịch vụ nói chung, gồm cả chất lượng đào tạo và phục vụ đào tạo”, PGS.TS. Nguyễn Trọng Cơ khẳng định.

Nhật Nam