![]() |
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP/Quốc Định |
Là thế mạnh nhưng chưa thực mạnh
Hiện nay, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích dừa đạt tới 130.000 ha, chiếm 78,7% diện tích dừa cả nước. Do điều kiện thổ nhưỡng thích hợp, phù sa từ các hệ thống sông ngòi đã làm cho dừa của ĐBSCL nói chung và của Việt Nam nói riêng có chất lượng tốt, cơm dày, hàm lượng dầu cao. Bên cạnh đó, giao thông thủy là điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển dừa ở ĐBSCL vì chi phí thấp. Do đó ĐBSCL được ví như “chợ dừa” của cả nước và là nguồn thu quan trọng của hơn 1,9 triệu hộ nông dân nơi đây.
Từ những năm 2000, với sự phát triển của công nghệ chế biến cơm dừa nạo sấy cũng như sự ra đời cùng với hàng loạt nhà máy chế biến các sản phẩm khác như than gáo dừa, than hoạt tính, thạch dừa, chỉ xơ dừa…, giá dừa trái đã tăng lên và đã tạo ra nhiều sản phẩm dừa có giá trị gia tăng và giá trị kinh tế cao. Đến nay, hầu hết các phần của cây dừa đều được khai thác tạo ra những sản phẩm có giá trị cao, thậm chí được xuất khẩu.
Tuy vậy, ngành công nghiệp dừa phát triển cũng chưa toàn diện, giá trị gia tăng chưa cao và còn phụ thuộc vào một thị trường... Ngành dừa Việt Nam vẫn bị chi phối bởi ngành dừa thế giới, giá dừa vẫn biến động theo giá dừa thế giới, làm ảnh hưởng đến đời sống và thu nhập của người trồng dừa. Giá dừa có lúc quá cao, các nhà máy không cạnh tranh nổi với thương nhân nước ngoài nên phải tạm ngừng sản xuất; có lúc lại quá thấp, một số nông dân phải đốn dừa để trồng những cây khác có giá trị kinh tế hơn.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh cây dừa là một trong những thế mạnh không chỉ của Bến Tre mà còn là thế mạnh của nhiều tỉnh thành ở khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại của cây dừa và người nông dân đang gặp phải hiện nay để có hướng giải quyết, tháo gỡ khó khăn.
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, vấn đề đầu tiên của cây dừa chính là tình trạng được mùa mất giá. Thứ hai, thu nhập của nông dân còn thấp, kéo dài trong nhiều năm. Thứ ba là vấn đề vốn, đặc biệt là vốn phát triển nông nghiệp mặc dù thực tế Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ dành cho nông dân. Cuối cùng, việc xuất khẩu các sản phẩm cây dừa còn manh mún, chưa hình thành những thế mạnh sẵn có.
![]() |
Ảnh: VGP/Quốc Định |
Nên hợp tác để đưa cây dừa phát triển bền vững
Bàn cách giải quyết những khó khăn nêu trên, theo người đứng đầu MTTQ Việt Nam, nông dân cần phải liên kết với nhau, tạo thành một tập thể đủ mạnh theo kiểu hợp tác xã. Ngoài ra, người nông dân với đại diện của mình còn phải liên kết với các ngành khác, như cây dừa thì có thể liên kết với Bộ Công Thương để xuất khẩu, liên kết với Bộ VHTT&DL để phát triển du lịch…
Đặc biệt, với tầm nhìn phát triển bền vững, hướng tới nhiều năm nữa, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề tỉnh Bến Tre cần liên kết với các địa phương lân cận, như Trà Vinh, Cần Thơ, Tiền Giang, Vĩnh Long… để tập trung phát triển cây dừa. Trong đó lấy Bến Tre làm trung tâm để phát triển cây dừa, liên kết các địa phương để phát huy tiềm năng thị trường, có chiến lược sản phẩm cụ thể, đặc trưng.
Không những vậy, các địa phương này nên phối hợp với Hiệp hội dừa Việt Nam cùng chung sức để tạo sự chủ động trong việc trồng, sản xuất, xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm của cây dừa. Ngoài sản phẩm truyền thống, cần phát triển sản phẩm công nghệ cao, thông qua các nghiên cứu khoa học về thị trường để có hướng đi bền vững với cây dừa.
Được như vậy, dừa không chỉ là một đặc trưng của văn hóa sông nước ĐBSCL mà trong tương lai gần, bên cạnh lúa, cá tra... đây sẽ là một trong những sản phẩm đặc trưng của quốc gia, tạo nên cuộc sống sung túc cho bà con nông dân.
Ngọc Quang