In bài viết

Từ chuyện mất thương hiệu ngay tại địa phương

(Chinhphu.vn) - Từ năm 2007, vải thiều Thanh Hà là một trong số ít những nông sản được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, trong mùa vải vừa qua, nhiều thương lái nước ngoài đến đây mua vải vẫn đóng gói mác sản phẩm của họ.

09/11/2011 11:02

Ảnh: Chinhphu.vn

Ông Lê Thanh Bình, Bí thư huyện ủy Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) cho biết để chỉ dẫn địa lý Thanh Hà thực sự đem lại giá trị tài sản cho quả vải Thanh Hà còn rất nhiều khó khăn.

Lãnh đạo địa phương cũng đã tìm các phương án như thành lập Hiệp hội Vải thiều Thanh Hà, tìm đến các đơn vị kinh doanh ngay tại các địa phương tiêu thụ vải thiều lớn để thỏa thuận ký kết hợp đồng thu mua lớn với kỳ vọng chính những đơn vị này sẽ bảo hộ thương hiệu đã được đăng ký. Tuy nhiên, mùa vải ngắn, số lượng lớn và bảo quản khó đã khiến vải thiều Thanh Hà vẫn chịu cảnh mất thương hiệu ngay trên quê hương mình.

Câu chuyện này đã mở màn cho Hội thảo “Các nhà khoa học với việc bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam” được tổ chức ngày 8/11 do  Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và công nghệ, Câu lạc bộ Báo chí của Liên hiệp hội Việt Nam đồng tổ chức.

Theo ông Tạ Quang Minh, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ, muốn làm tốt công tác bảo vệ nhãn hiệu cho các sản phẩm, người dân, doanh nghiệp và từng địa phương cần hiểu rõ khái niệm được bảo hộ.

Thuật ngữ “thương hiệu” thường xuất hiện trên truyền thông để nói đến các sản phẩm có tên tuổi, nhưng về mặt pháp lý chúng ta chỉ bảo hộ các sản phẩm có các “Nhãn hiệu” (do doanh nghiệp đăng ký) và các “Chỉ dẫn địa lý” (do các địa phương đăng ký).

Doanh nghiệp, người dân và chính quyền cần cùng vào cuộc thì mới bảo vệ và phát triển giá trị thương mại từ các nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý này.

Ông Nghiêm Quốc Bảo, Tổng thư ký Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam cho rằng nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng như chủ động trong việc cập nhật thông tin về các sản phẩm sở hữu trí tuệ trong nước cũng như khu vực chứ chưa nói đến tầm quốc tế. Việc các nhãn hiệu “Nước mắm Phú Quốc”, “Cà phê Buôn Ma Thuột” được đăng ký sở hữu bởi các doanh nghiệp ở nước ngoài là những bài học đáng tiếc.

Theo TS. Đỗ Gia Phan, Ủy viên thường vụ Hội Bảo vệ người tiêu dùng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc bảo vệ thương hiệu hơn nữa tới nhân dân và doanh nghiệp, nhưng cần tuyên truyền chính xác từ thuật ngữ cho đến bản chất sự việc để tránh việc gây thiệt hại cho chính các sản phẩm nông sản của người dân và doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất là giữ được tín nhiệm với người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu đã khó nhưng giữ  được thương hiệu còn khó hơn. 

Nhiều ý kiến các nhà khoa học trong hội thảo cũng cho rằng trước tiên, các doanh nghiệp nên chú trọng việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm ở trong nước, bởi nếu làm tốt công tác này thì việc tiêu thụ ngay trong thị trường nội địa cũng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một ví dụ là bưởi Phúc Trạch, do công tác thương hiệu được thực hiện tốt, giờ đây không chỉ là một đặc sản hoa quả thuần túy mà còn trở thành một món quà biếu tặng với giá bán có thể lên tới 150 nghìn/quả.

Đỗ Hương