In bài viết

Tự do kinh doanh: Phải có cải cách thực sự

(Chinhphu.vn) – Việt Nam có hội nhập thành công hay không, doanh nghiệp có “thắng trên sân nhà”, có cạnh tranh được không cũng phụ thuộc vào việc sửa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư.

09/09/2014 16:39

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh điều này tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 9/9 bàn về dự thảo sửa đổi hai Luật trên.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Có thể thấy, tinh thần ”cởi trói” mạnh mẽ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, mà những người soạn thảo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) chủ trương, đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ phía Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Chủ tịch Quốc hội, quyền dân chủ lớn nhất của con người là tự do làm ăn. Ông rất kỳ vọng vào việc sửa hai Luật này, bởi đây là những luật đóng vai trò “lõi của phát triển”.

Do đó, các đại biểu Quốc hội cần phải “dày công” sửa đổi để hai Luật thực sự mang tinh thần cải cách, phải bảo đảm quyền tự do kinh doanh theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013.

Về danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng  cho rằng đây là lúc Quốc hội cần làm “trọng tài”, phải rà hết các danh mục cấm và danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện ở các luật chuyên ngành. Ngành nghề gì đã cấm và cần có điều kiện mà thấy hợp lý đưa vào luật này, còn cấm và hạn chế vô lý thì bỏ đi.

Đồng thời, phải hiểu rộng hơn về các hành vi hạn chế quyền tự do kinh doanh. Chẳng hạn, khi các địa phương quy định phải mua xi măng, phải uống bia sản xuất trong tỉnh, thì đó chính là hạn chế quyền tự do kinh doanh. Và theo Chủ tịch, kết quả ngành nghề danh mục cấm và hạn chế đầu tư kinh doanh mới chỉ là rà soát ở cấp ngành, chứ chưa rà soát ở địa phương.

Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì nhấn mạnh, các quy định về các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chính là “linh hồn” của Luật Đầu tư.

Bên cạnh 11 nhóm ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh đã được quy định tại dự thảo luật mới nhất, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên thảo luận cũng đề nghị các vị đại biểu xem xét còn ngành nghề nào cần đưa vào danh mục này và có nên quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện ngay trong luật hay không. Nếu điều này được thực thi thì các trường hợp hạn chế quyền tự do kinh doanh sẽ còn ít hơn nữa.

Không ghi ngành nghề trong giấy đăng ký DN

Báo cáo về một số nội dung của Luật Doanh nghiệp, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi các vị đại biểu, cũng nhấn mạnh tinh thần bảo đảm quyền tự do do kinh doanh khi tiếp tục đề nghị không ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Hiện vẫn có ý kiến đề nghị giữ quy định về ghi cụ thể ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để phục vụ cho công tác hậu kiểm, thống kê và quản lý nhà nước nói chung.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, theo Luật doanh nghiệp hiện hành, doanh nghiệp đăng ký ngành, nghề kinh doanh và sau đó, được quyền kinh doanh theo đúng ngành nghề đã đăng ký và được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

 Như vậy, doanh nghiệp chỉ được quyền tự do kinh doanh những ngành, nghề ghi trong Giấy chứng nhận, khi muốn bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh đăng ký thì ngoài việc phải thực hiện đăng ký kinh doanh với cơ quan quản lý có thẩm quyền trong lĩnh vực kinh doanh cụ thể, doanh nghiệp còn phải tiến hành thủ tục bổ sung, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định này chỉ mang tính thủ tục hành chính, gây phiên hà không cần thiết cho doanh nghiệp.

Do đó, dự án Luật ghi rõ: Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh các ngành, nghề mà Luật đầu tư và các luật chuyên ngành khác không cấm; đồng thời quy định không ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận.

Điều này sẽ giảm đáng kể chi phí thực hiện thủ tục hành chính, nâng cao tính chủ động, linh hoạt cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, theo quy định của dự án Luật, doanh nghiệp vẫn phải có nghĩa vụ kê khai, thông báo ngành, nghề kinh doanh với các cơ quan có thẩm quyền khi đăng ký kinh doanh hoặc khi bổ sung ngành, nghề kinh doanh để thực hiện nghĩa vụ của mình (Điều 13 và Điều 31 dự án Luật).

Thành Đạt