Ảnh minh họa |
Đã 13 năm sau Ngày Công ước Berne chính thức có hiệu lực tại Việt Nam (26/10/2004) nhưng tôn trọng quyền tác giả (QTG) vẫn là một vấn đề nhức nhối, trăn trở của không ít tác giả, những người làm luật cũng như các đơn vị quản lý.
Khi nhắc đến việc thay đổi tư duy trong tôn trọng và sử dụng QTG sau khi Công ước Berne chính thức có hiệu lực tại Việt Nam, giới chuyên môn hay nhắc đến vụ kiện giữa Công ty Phan Thị và họa sĩ Lê Linh. Đó được xem là cuộc tranh luận bài bản nhất, phức tạp nhất về QTG, kéo dài từ năm 2006 đến tận năm 2010, sau đó tiếp tục bùng lên vào các năm 2012 và 2014.
Thậm chí, vụ kiện không chỉ giới hạn trong bộ sách Thần đồng đất Việt mà còn mở rộng ra một số bộ sách, sản phẩm phát sinh khác. Với những người trong cuộc, vụ kiện này là sự vất vả, gian nan nhưng với những người làm luật, nhất là luật về QTG thì đây lại là một sự kiện mang tính lạc quan.
Bởi vụ kiện đã đánh động từ người sáng tác, người làm sách về những vấn đề cốt lõi của QTG như quyền nhân thân, quyền sở hữu… Không phải ngẫu nhiên mà chính Cục trưởng Cục Xuất bản khi đó là ông Nguyễn Kiểm, đã cho rằng vụ kiện này là tín hiệu tốt cho thấy vấn đề QTG đang có sự thay đổi theo hướng tích cực tại Việt Nam.
Thế nhưng, gần đây việc một loạt cuốn sách bị thu hồi do vi phạm QTG đã đặt câu hỏi về thực trạng của việc tôn trọng QTG ở Việt Nam hiện nay. Điển hình là vụ cuốn Chim Việt Nam bị thu hồi và thiêu hủy. Chim Việt Nam được đánh giá là cuốn sách có giá trị khoa học cao, được thực hiện nghiêm túc về mặt nội dung bởi các chuyên gia trong lĩnh vực. Nhưng tiếc thay, trong phần hình ảnh minh họa, ảnh các loài chim được sử dụng lại không hề xin phép các tác giả là những nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên nghiệp.
Điều đáng nói là trên các tấm ảnh được lấy trên mạng vốn đều có watermark (một dạng hình mờ có thể là logo hay chữ, được chèn vào ảnh để đánh dấu bản quyền) nên việc liên hệ để thương thảo vấn đề bản quyền không khó.
Hay vụ cuốn sách tranh Hoa cúc áo bị kiện cũng là một điển hình vi phạm QTG. Nhà văn Trần Đức Tiến cách nay 10 năm có gửi một chùm truyện ngắn tham dự một cuộc thi và đạt giải nhất. Sau đó, đơn vị tổ chức đã kết hợp với một công ty mỹ thuật, chuyển thể truyện ngắn của ông thành truyện tranh và phát hành. Đáng nói là việc chuyển thể, phát hành này, nhà văn không hề hay biết, cho đến khi tình cờ đọc được cuốn sách tại một nhà sách.
Tư duy bản quyền có vấn đề
Vi phạm bản quyền luôn được xem là căn bệnh trầm kha trong lĩnh vực xuất bản suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, ở các vụ vi phạm bản quyền vừa qua, điều được dư luận đặt câu hỏi là liệu tư duy về QTG của những cá nhân vi phạm có vấn đề?
Như trường hợp Hoa cúc áo, đơn vị vi phạm cho rằng, truyện ngắn gửi dự thi thì đơn vị tổ chức được quyền sử dụng. Thế nhưng, chính các đơn vị này lại quên rằng, dù có quyền sử dụng nhưng quyền đó bị ràng buộc về thời gian và nếu xuất bản vẫn phải bảo đảm các quyền của tác giả như nhân thân, thanh toán nhuận bút…
Trước đó, một đơn vị làm sách tham khảo trong giảng dạy cũng đã tự ý đưa tác phẩm của một số nhà văn trẻ vào sách mà không hề xin phép, hay có sự thông báo cho các tác giả. Khi bị phát hiện và lên án, đơn vị làm sách còn tỏ thái độ theo kiểu “được chọn vào sách là vui rồi”…
Một trong những lý do hay được sử dụng nhiều nhất để biện minh cho việc vi phạm QTG là “không liên hệ được với tác giả” dù rằng điều này trong Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam hay quốc tế đều không có giá trị. Trong giới xuất bản, người ta vẫn hay nhắc đến một ví dụ nổi tiếng, đó là giám đốc một NXB để biện hộ việc lấy tác phẩm mà không xin phép đã cho rằng, do không thể liên hệ tác giả, trong khi ai cũng biết, ông này và tác giả ở cùng một khu nhà, họ gặp nhau hằng ngày.
Đánh giá về thực trạng QTG hiện nay, đại diện một đơn vị làm sách chuyên mảng văn học dịch cho rằng, bản chất của vấn đề là sự nghiêm túc trong áp dụng các điều luật về QTG. Để chứng minh, vị này nhấn mạnh rằng, việc vi phạm QTG hiện nay hầu như chỉ tập trung ở các tác phẩm trong nước, do các tác giả trong nước thực hiện.
Ngược lại, trong mảng sách dịch, Việt Nam lại đang được đánh giá cao về tôn trọng bản quyền, tôn trọng QTG. Vừa qua, tại hội chợ sách quốc tế diễn ra ở Hà Nội, đại diện các đơn vị chuyên mua bán bản quyền sách đã đánh giá, người làm sách Việt có kinh nghiệm thương thảo bản quyền tốt.
Lý do của sự mâu thuẫn này được cho chính là ở sự nghiêm túc, nghiêm khắc trong tôn trọng QTG ở các nước. Việc vi phạm nếu có sẽ bị các đơn vị sở hữu bản quyền nước ngoài gây áp lực rất lớn, không chỉ từ luật pháp mà có khi còn ảnh hưởng đến cả quan hệ cấp Nhà nước. Các đơn vị vi phạm sẽ bị vào sổ đen, rất khó khăn nếu không muốn nói là không có cửa để tiến hành thương thảo bản quyền sau này.
Trong khi đó, với các đơn vị làm sách trong nước, việc vi phạm QTG bị xử lý chưa thực sự có tính răn đe. Hầu hết loanh quanh ở xử lý vi phạm hành chính, thu hồi sách, phạt tiền với mức phạt chỉ từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Cho đến nay, chưa có đơn vị làm sách nào bị ngừng hoạt động vì vi phạm QTG, thậm chí có những đơn vị vi phạm nhiều lần.
theo Sài Gòn Giải phóng