![]() |
Các nhà lãnh đạo dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần 3 tại La Hay, Hà Lan (ngày 24-25/3/2014). Ảnh: VGP |
Quan điểm của Việt Nam về an ninh hạt nhân đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân vừa diễn ra tại Hà Lan. Chủ đề của Hội nghị: “Tăng cường an ninh hạt nhân, giảm thiểu nguy cơ khủng bố hạt nhân, các biện pháp quốc gia và hợp tác quốc tế”, tự thân nó đã đặt ra mối quan hệ giữa trách nhiệm của từng quốc gia với vai trò của các biện pháp hợp tác mang tính quốc tế.
Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng khẳng định Việt Nam nhận thức trách nhiệm chính trong việc bảo đảm an ninh hạt nhân là của từng quốc gia. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã có nhiều biện pháp bảo đảm như từng bước hoàn thiện hệ thống luật pháp về an ninh hạt nhân, bảo đảm kiểm soát an ninh hầu hết các nguồn phóng xạ cường độ cao, bắt đầu triển khai các biện pháp kiểm soát xuất nhập khẩu nguồn phóng xạ…
Trên thực tế, sự “lo xa” cẩn trọng của Việt Nam còn được thể hiện bằng một hành động rất cụ thể và thiết thực. Đầu năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông báo chủ trương lùi thời gian khởi công dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, mà theo kế hoạch trước đây, sẽ được khởi công trong năm nay. Động thái này đã nhận được đồng thuận từ nhiều chuyên gia.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nhận định đây là việc làm hoàn toàn cần thiết. Vì sau sự cố Fukushima ở Nhật Bản, rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đều phải xem lại chính sách phát triển điện hạt nhân, phải rà soát lại toàn bộ mọi công tác chuẩn bị cho điện hạt nhân.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam đầu tháng 1/2014, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano cũng cho rằng Việt Nam không nên áp một mốc thời gian cụ thể nào cho việc chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân, quan trọng là công việc chuẩn bị phải được tiến hành cẩn thận chứ không nên vội vàng, gấp gáp.
Quan điểm của Việt Nam rằng “từng quốc gia chịu trách nhiệm chính” về an ninh hạt nhân hoàn toàn không mâu thuẫn với các biện pháp quốc tế mà bản thân Hội nghị thượng đỉnh với sự tham dự của hàng chục nguyên thủ quốc gia đã đủ để khẳng định tầm mức quan trọng.
Quan điểm ấy phù hợp với truyền thống độc lập, tự chủ của Việt Nam trên mọi lĩnh vực, đồng thời cũng phù hợp với chân lý giản dị của cuộc sống con người: Không ai có thể lo cho mình bằng chính mình.
Mặt khác, trong một thế giới đã trở nên nhỏ bé trước sức mạnh có khả năng hủy diệt của năng lượng hạt nhân thì thái độ “tự lo cho mình” ấy cũng là có trách nhiệm với các nước khác.
Theo Thủ tướng, cộng đồng quốc tế cần khuyến khích các quốc gia thực hiện các biện pháp tự nguyện phù hợp với khả năng của mình, đồng thời cần có những chương trình, giải pháp cụ thể và phù hợp để hỗ trợ các nước đang phát triển trong lĩnh vực này.
Cùng với đó, Việt Nam cũng đồng thời tích cực tham gia các công cụ pháp lý, các sáng kiến quốc tế có liên quan đến an ninh hạt nhân và sẽ nỗ lực hết sức mình để cùng các đối tác đóng góp tích cực cho việc bảo đảm an ninh hạt nhân trên toàn cầu.
Có thể đặt “trách nhiệm quốc gia” của Việt Nam trong vấn đề an ninh hạt nhân trong một bối cảnh rộng hơn. Trong năm 2013, tại các diễn đàn quốc tế như Diễn đàn Shangri-La, Viện Quan hệ quốc tế Pháp (IFRI), Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có những bài phát biểu gây ấn tượng sâu sắc với dư luận trong và ngoài nước.
Một quan điểm xuyên suốt các bài phát biểu đó là sự cần thiết xây dựng “lòng tin chiến lược” như một điều kiện tiên quyết của hòa bình và an ninh quốc tế. Mỗi quốc gia luôn phải là một thành viên có trách nhiệm đối với hòa bình và an ninh chung. Lòng tin chiến lược giữa các quốc gia phải không ngừng được vun đắp bằng sự thật tâm, thái độ chân thành và những hành động thiết thực, cụ thể.
Nói đi đôi với làm. Việt Nam, trong khả năng của mình, đã thiết thực, cụ thể góp phần trách nhiệm chung. Việt Nam đã quyết định tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Mới đây, Việt Nam đã chủ động tích cực tham gia cuộc tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia bị mất tích và sự nhiệt thành, tinh thần trách nhiệm của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Việt Nam không lựa chọn thái độ “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”. Và tại hội nghị về an ninh hạt nhân lần này, Việt Nam đã đưa ra thêm một quan điểm mới về trách nhiệm: Có trách nhiệm với hành động của chính mình, cũng là có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Kim Tuấn