Rơi vào "ma trận" thuốc phòng chống, hỗ trợ điều trị COVID-19
Được người quen mách cho đường link Facebook mua các loại thuốc điều trị COVID-19, thuốc hỗ trợ, thuốc dự phòng điều trị COVID-19 khi gia đình 5 người thì 3 người bị F0, chị Đỗ Thị Dịu (quận Hà Đông, TP. Hà Nội) đã sẵn sàng chi tiền triệu để mua. Chị Dịu chia sẻ: "Mình có cô bạn thân cả nhà vừa trải qua F0 nên có nhiều kinh nghiệm lắm. Khi gia đình mình có người mắc F0, mình đã hỏi bạn mình và mua 3 hộp kháng virus với giá hơn 1,5 triệu/hộp".
Ngoài những thuốc cơ bản như: Hạ sốt, bù điện giải, vitamin, thuốc trị ho, cảm cúm... hiện nhiều người dân dễ dàng tin vào khả năng phòng, điều trị của thuốc kháng virus có nhãn mác nước ngoài được rao bán tràn lan trên "chợ đen" mạng xã hội, trong đó nổi bật là thuốc Molnupiravir và Arbidol (hay còn gọi là thuốc xanh, đỏ của Nga).
Các loại thuốc này được rao bán trên các hội nhóm, trang cá nhân trên mạng xã hội như facebook, zalo và một số sàn thương mại điện tử… nên người dân rất dễ tiếp cận và tìm mua trong khi nguồn gốc xuất xứ và tác dụng không rõ ràng.
Có trường hợp tự xin đơn thuốc điều trị COVID-19 để sử dụng khi trở thành F0. Điển hình như việc anh Bùi Văn Hưng (quận Ba Đình, TP. Hà Nội) chia sẻ, bản thân anh đã điều trị khỏi COVID-19 được hơn chục ngày nay. Sau khi anh Hưng điều trị khỏi theo đơn thuốc của bác sĩ, nhiều bạn bè của anh khi bị F0 đã gọi hỏi anh tư vấn. Từ đó anh Hưng như trở thành một dược sĩ, một chuyên gia về ngành y.
Anh Hưng cho biết: "Nhiều bạn bị F0 hỏi mình cách gia đình vượt qua COVID-19 như thế nào, rồi xin mình đơn thuốc, tư vấn thuốc… nên mình đã chia sẻ đơn thuốc cũng như các loại thuốc bổ, nước muối súc miệng, xịt họng, thuốc điều trị COVID-19… cho bạn mình, mong bạn nhanh khỏe lại".
Bên cạnh đó, những F0 là trẻ em gần đây cũng tăng cao khiến không ít cha mẹ lo lắng thái quá khi trẻ mắc, dẫn đến việc bắt con uống đủ loại thuốc tăng đề kháng, thực phẩm chức năng không cần thiết. Chị Nguyễn Minh Phương (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, gia đình chị có 4 người lần lượt nhiễm COVID-19, bắt đầu từ chồng chị. Hai vợ chồng đều đã tiêm đủ 3 mũi vaccine nên triệu chứng đều rất nhẹ.
Tuy nhiên, 2 bé con nhà chị dưới 8 tuổi đều chưa tiêm khiến vợ chồng chị rất lo lắng, nhất là cô con út mới lên 2 tuổi, sốt và liên tục ho, dẫn đến nôn trớ. Lo lắng quá, chị Phương liên lạc với hiệu thuốc đầu phố và được họ tư vấn, chuyển tới túi thuốc, trong đó có thuốc Daleston-D, Rinofil, Maomy, vitamin C, Otrivil, nước muối sinh lý, thuốc hạ sốt… Cùng với đó, chị được một người bạn thân sốt sắng gửi thêm cho 2 lọ Multi Vitamin, Kẽm để tăng đề kháng cho con.
Nhiều phụ huynh lo lắng nên dự trữ rất nhiều loại thuốc trong nhà phòng khi không may trở thành F0. Điều đáng ngại là hầu hết đều mua theo các đơn thuốc được lan truyền trên mạng hoặc theo đơn của nhà thuốc.
Bác sĩ Đào Trường Giang (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) - hiện tư vấn online cho người dân, chia sẻ có nhiều bậc phụ huynh chỉ nghe có các loại thuốc xách tay của nước ngoài có thể phòng, điều trị COVID-19 mà không rõ thành phần là gì nhưng cũng mua. Đây là một sai lầm nguy hiểm.
Đáng ngại, hiện việc mua dự trữ, sử dụng thuốc cho trẻ rất tràn lan, nhất là khi tình hình dịch diễn biến phức tạp, ca mắc tăng cao mỗi ngày ở Hà Nội. Thậm chí, nhiều người "nghe ai mách gì, uống nấy.
"Một trong những sai lầm nguy hiểm nhất là có khá nhiều bệnh nhi khi mắc COVID-19, cha mẹ tự ý sử dụng sớm kháng sinh, các loại thuốc chống viêm có chứa Corticoid. Có thể việc này giúp trẻ giảm nhanh phản ứng viêm, giảm ho nhưng ngược lại có nhiều tác dụng phụ, có thể dẫn tới những hậu quả lâu dài cho trẻ như: Loãng xương, giảm sức đề kháng, yếu cơ, tim mạch…", Bác sĩ Giang chia sẻ.
Bác sĩ cho biết thêm, đã có những trường hợp trẻ mắc COVID-19 bị dị ứng nặng mà nguyên nhân nghi ngờ nhiều do uống thuốc tăng cường sức đề kháng xách tay được bán trên mạng.
Theo các chuyên gia y tế, trong giai đoạn hiện nay, số bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà rất lớn. Việc người bệnh quá lo lắng, tự mách nhau cách dùng thuốc hoặc "biến tấu" đơn thuốc do ngành y tế ban hành, không tuân thủ theo đúng chỉ định… có thể khiến việc điều trị trở nên phức tạp và dịch bệnh khó kiểm soát hơn.
Tâm lý tích trữ thuốc, test COVID-19… khiến giá tăng cao
Không chỉ lo lắng, tự tìm mua các thuốc điều trị COVID-19, những ngày gần đây, nhiều người dân cũng đổ xô đi mua các bộ kit test nhanh COVID-19 để dự phòng cho gia đình bởi F0 giờ đây có thể "hiện hữu" với bất kỳ ai.
Tuy nhiên, đi cùng với nhu cầu gia tăng, thị trường xuất hiện tình trạng "loạn giá" thuốc, bộ xét nghiệm COVID-19.
Thuốc Molnupiravir là cái tên được tìm kiếm nhiều nhất mỗi khi người dân phát hiện mình đã dương tính với COVID-19, bởi đây là một trong những loại thuốc kháng virus nằm trong danh mục được Bộ Y tế cấp phép lưu hành có điều kiện và là thuốc kê đơn, chỉ dành cho bệnh nhân đã được chẩn đoán dương tính với COVID-19 có các triệu chứng nặng.
Những ngày qua, loại thuốc này cũng bất ngờ "cháy hàng" do nhu cầu tìm, mua, và sử dụng quá lớn của người dân. Thậm chí tìm đến những nguồn hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi trên thị trường…
Điều này dẫn tới tâm lý mua sẵn tích trữ, khan hiếm một số mặt hàng ở hiệu thuốc bán lẻ, các chuyên gia y tế nhấn mạnh, người dân không nên mua phòng sẵn một số loại thuốc chưa biết hiệu quả điều trị tới đâu.
Dưới góc độ giá cả thị trường, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, hiện nay dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số người mắc ngày càng tăng, đặc biệt tại Hà Nội.
"Thậm chí những người chưa mắc COVID-19 cũng mua kit test. Vì vậy ngoài nhu cầu thực thì nhu cầu phòng ngừa ngày càng tăng. Cầu tăng mà cung có mức độ làm giá sẽ tăng. Lợi dụng những lúc này nhiều nơi trục lợi, bất chấp. Không ít cửa hàng đẩy giá cao hoặc có mà vẫn găm hàng", ông Long nhận định.
Trước tình trạng trên, ông Long cho rằng, các cơ quan chức năng phải vào cuộc nhanh chóng, điều quan trọng nhất phải đưa lượng cung ra thị trường. Đối với những nơi cố tình gom hàng, đẩy giá để trục lợi, ngoài phạt tiền cần có chế tài đủ mạnh để răn đe. Đồng thời, cần có "đường dây nóng" để người dân phản ánh những bất cập đến cơ quan chức năng, kịp thời xử lý, giải quyết.
Diệu Anh