Dự kiến, các công trình thăm dò địa chất cần khoảng 47,5 triệu USD. Các công trình khai thác, chế biến bauxit cần từ 9,9 - 13,7 tỷ USD. Các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng cần 1,9 tỷ USD.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hợp tác đầu tư thăm dò và khai thác bauxit chủ yếu theo hình thức công ty cổ phần. Trong công ty cổ phần khai thác bauxit và sản xuất alumin cần đảm bảo nguyên tắc phía Việt Nam nắm cổ phần chi phối.
Từ nay đến năm 2015, nước ta đầu tư mới 7 nhà máy alumin và hydroxit nhôm cùng 1 tổ hợp bauxit - nhôm với tổng công suất alumin từ 6,4 - 8,4 triệu tấn/năm, hydroxit nhôm 0,65 triệu tấn/năm.
Trong giai đoạn 2007 - 2025, 2 nhà máy điện phân nhôm được xây dựng, công suất mỗi nhà máy từ 0,2 - 0,4 triệu tấn/năm.
Dự kiến, Cảng chuyên dụng tại khu vực biển Bình Thuận phục vụ phát triển công nghiệp nhôm khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ cũng sẽ được xây dựng, có quy mô cho tàu 30.000 - 50.000 tấn.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp khai thác, chế biến quặng bauxit bằng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, phải đảm bảo phát triển hài hòa kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên và các địa phương liên quan.
Tổng trữ lượng quặng bauxit ở nước ta được dự đoán khoảng 5,5 tỷ tấn, chủ yếu tập trung ở miền Nam khoảng 5,4 tỷ tấn, tại các khu vực Konplong-Kanak, Đắk Nông, Bảo Lộc-Di Linh, Phước Long. Riêng ở Đắk Nông, trữ lượng quặng bauxit đạt 3,4 tỷ tấn.
Đức Tuân
(Nguồn: Quyết định 167/2007/QĐ-TTg)