In bài viết

Từ nỗi đau cá nhân đến thiệt hại của nền kinh tế

(Chinhphu.vn) – Phía sau những vụ hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế không chỉ là những số phận con người, mà còn là môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.

10/05/2016 13:03
Luật sư Nguyễn Chiến-Ảnh do nhân vật cung cấp
Đây là quan điểm của Luật sư Nguyễn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam khi trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về vấn đề đang rất được dư luận quan tâm này.

Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời có ý kiến về vụ việc liên quan đến quán cà phê Xin Chào, đồng thời khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, hành chính. Ông có thường nhận được những phản ánh, kiến nghị của các luật sư về việc cơ quan tố tụng hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế?

Luật sư Nguyễn Chiến: Hình sự hóa vụ việc dân sự, kinh tế là hiện tượng tiêu cực trong đời sống pháp lý ở nước ta hiện nay. Thực chất của hiện tượng này là lạm dụng pháp luật hình sự để giải quyết những quan hệ thuần túy chỉ là quan hệ dân sự, kinh tế dẫn đến những vụ án oan. Những năm gần đây, mặc dù chúng ta đã có nhiều cố gắng nhưng hiện tượng này vẫn diễn ra và diễn biến theo chiều hướng phức tạp hơn do xu thế mở cửa, hội nhập làm gia tăng các giao dịch dân sự, kinh tế.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam có Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư – là nơi tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của luật sư về các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại bị hình sự hóa để kịp thời nghiên cứu, có biện pháp kiến nghị gửi cơ quan chức năng có thẩm quyền để giải quyết đúng theo quy định của pháp luật.

Thực tế, trong cuộc đời hành nghề luật sư, tôi cũng từng chứng kiến các vụ việc bị hình sự hóa giao dịch dân sự, kinh doanh, thương mại.

Vụ án nào khiến ông trăn trở nhất?

Luật sư Nguyễn Chiến: Đó là vụ án Trần Văn Tân, nguyên Giám đốc Cty TNHH Đông Nam Á-Nam Định bị khởi tố và truy tố hai tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Kéo dài gần 3 năm, vụ án nhiều lần phải hoãn xử, hồ sơ phải trả đi trả lại.

Trong quá trình điều tra, xét xử, bản thân bị cáo cũng tỏ ra hoang mang, tuyệt vọng, không còn niềm tin vào cuộc sống. Công ty bị cáo lâm vào tình trạng phá sản, mẹ già và anh chị em bị cáo chán nản, bỏ cuộc, vợ bị cáo không chịu nổi áp lực, bỏ đi nước ngoài.

Tòa sơ thẩm tuyên bị cáo không phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", nhưng phạm tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" với một số tiền nhỏ của một cá nhân, do bị cáo bị bắt nên không có điều kiện tiếp tục trả nợ được.

Cuối cùng, bị cáo cũng trắng án tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, nhưng gia đình bị cáo không có ai ở đó. Tôi nhớ bị cáo đã òa khóc rồi mượn điện thoại của luật sư để gọi điện về nhà báo tin.

Thực tế, do công ty Đông Nam Á lâm vào tình trạng khó khăn chưa trả được nợ, đối tác làm ăn của công ty tại Vĩnh Phúc lại vi phạm pháp luật bị khởi tố và bắt tạm giam, Tân liền bị chủ nợ tố cáo và bị khởi tố. Thực tế, theo hệ thống sổ sách chứng từ hạch toán trong doanh nghiệp, tiền bị cáo vay được đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh chứ không chiếm đoạt cá nhân.

Quan điểm của Liên đoàn Luật sư Việt Nam về vấn đề này như thế nào?

Luật sư Nguyễn Chiến: Hậu quả của việc hình sự hóa các giao dịch dân sự, kinh doanh, thương mại là nghiêm trọng vì tất cả đều là các vụ án oan, chủ doanh nghiệp hoặc cá nhân người dân đều bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp trên cơ sở bị cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế trong tố tụng hình sự.

Điều này xâm hại đến danh dự, uy tín của doanh nghiệp, của cá nhân họ, xâm phạm đến quyền tự do của công dân, gây tổn thương nặng nề đến tâm lý của người bị tạm giam, tạm giữ cũng như của cả gia đình, dòng họ do phải đối mặt với việc tiêu tốn thời gian, công sức, tiền bạc thăm nuôi theo suốt quá trình tố tụng và thụ án.

Các vụ án kinh doanh, thương mại bị hình sự hóa còn gây thiệt hại về tài sản, thậm chí phá vỡ cả sự nghiệp kinh doanh của cả doanh nghiệp, thương nhân. Bên cạnh đó, còn tác động xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, ảnh hưởng tới niềm tin của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài do sợ rủi ro về hình sự trong giao dịch.

Trước thực tế này, một số doanh nhân chỉ hoạt động cầm chừng, tâm lý e ngại không muốn đẩy mạnh đầu tư, kinh doanh, tạo ra những bước đột phá trong kinh doanh để tăng động lực cho nền kinh tế phát triển.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam có những kiến nghị nào để hạn chế tình trạng này?

Luật sư Nguyễn Chiến: Giải pháp khắc phục hiện tượng pháp lý tiêu cực này là cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể thi hành Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự có hiệu lực từ 1/7/2016. Đồng thời, hoàn thiện, sửa đổi bổ sung những hạn chế và bất cập của pháp luật về dân sự, kinh doanh thương mại giúp nâng cao khả năng nhận diện ranh giới khác biệt giữa hình sự với dân sự, kinh tế. 

Bên cạnh việc đó, cần sớm xây dựng cơ chế bồi thường thỏa đáng và kịp thời cho các doanh nghiệp, cá nhân bị oan từ việc hình sự hóa giao dịch của họ.

Đồng thời các chủ thể này cũng cần chủ động phòng tránh việc bị hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh doanh, thương mại bằng cách nghiên cứu kỹ lưỡng pháp luật trước khi giao dịch, xây dựng đội ngũ cán bộ pháp chế trong doanh nghiệp, sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật… để hạn chế các rủi ro phát sinh.

Về phía những người thực thi pháp luật, cần nâng cao năng lực, phẩm chất và trách nhiệm của mình. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật liên quan nhằm xử lý nghiêm minh những người thực thi trái luật gây ra vụ việc dân sự, kinh tế…bị hình sự hóa, buộc họ phải tuân thủ trách nhiệm bồi thường cá nhân đối với thiệt hại gây ra, mức độ nghiệm trọng phải được xử lý hình sự theo luật định.

Xin cảm ơn Luật sư về cuộc trao đổi này!

Lê Sơn (thực hiện)