Ảnh minh hoạ |
Theo văn bản nói trên của Bộ GD&ĐT, cần phát huy vai trò của tổ tư vấn tâm lý, tổ công tác xã hội trong nhà trường để hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho học sinh, đặc biệt là những em đang ở các địa phương khác do dịch bệnh chưa thể trở về gia đình để tham gia học tập khi các em gặp các vấn đề về tâm lý, về an sinh; xây dựng kế hoạch, phương án tư vấn trực tuyến, tư vấn cá nhân khi học sinh cần.
Khuyến khích giáo viên, học sinh ghi các video clip chia sẻ kinh nghiệm hay trong việc phòng, chống dịch, trong việc dạy và học ở điều kiện phòng chống dịch; các kỹ năng phòng chống xâm hại, bắt nạt qua mạng… Lựa chọn và đăng tải nội dung tốt lên các website, fanpage, ứng dụng trực tuyến, hệ thống tin nhắn của nhà trường để tuyên truyền và lan toả.
Đồng thời, tăng cường kết nối, trao đổi giữa giáo viên chủ nhiệm, giáo viên các môn học, cán bộ đoàn, giáo viên-tổng phụ trách đội… trong quá trình học sinh học trực tuyến để chia sẻ, hỗ trợ liên thông giữa nhà trường, giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh.
Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên phối hợp với Vụ Giáo dục đại học, các đơn vị của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam… để tìm kiếm các nguồn hỗ trợ từ các đơn vị, doanh nghiệp hảo tâm… để giúp đỡ học sinh, sinh viên.
Vụ Giáo dục thể chất phối hợp triển khai nội dung liên quan của Chương trình đồng hành cùng học sinh, sinh viên mùa dịch; xây dựng hệ thống bài tập vận động, các nội dung số liên quan để hướng dẫn, hỗ trợ học sinh, sinh viên các biện pháp tập luyện, tăng cường vận động nâng cao sức khỏe phòng, chống dịch COVID-19 và học tập trực tuyến tại gia đình...
Nhật Nam