Chứng khoán Mỹ tiếp tục có tuần giao dịch thất bại thứ 2 liên tiếp trong tuần qua (7-11/5) khi các nhà đầu tư đối mặt với những bất ổn xấu hơn tại châu Âu, nhất là việc Hy Lạp vấp phải cuộc khủng hoảng chính trị có thể khiến nước này phải trả giá bằng việc để mất khoản cứu trợ của EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cung cấp.
Các nhà đầu tư hiện đang "nín thở" theo dõi các diễn biến tiếp theo, mà theo như đánh giá của các nhà phân tích thì với những bất ổn từ châu Âu, tình hình có thể sẽ rất khó khăn.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần ngày 11/5, chỉ số Dow Jones chốt ở mức 12.820,60 điểm, đưa chỉ số này cả tuần mất tới 1,7%. Chỉ số Standard & Poor's 500 chốt tuần ở 1.353,39 điểm, giảm đi 0,76% cả tuần, trong khi Nasdaq cũng để mất 0,76%, xuống chốt tuần ở mức 2.933,82 điểm.
Theo các nhà phân tích, những bất ổn tại châu Âu cũng chỉ là một phần của nguyên nhân kéo các chỉ số chứng khoán toàn cầu, trong đó có chứng khoán Wall Street, đi xuống. Nguyên nhân khác, gây “sốc” cho các nhà đầu tư là những số liệu mới nhất không mấy khả quan từ 2 nền kinh tế nhất nhì thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Tại Trung Quốc, số liệu công bố ngày cuối tuần 11/5 cho biết, sản lượng công nghiệp chỉ còn tăng với tốc độ thấp nhất kể từ năm 2009. Trong khi đó, tại Mỹ, Ngân hàng JPMorgan Chase thông báo khoản lỗ ròng kinh doanh 2 tỷ USD, khiến các chính trị gia và giới phân tích đồng loạt lên tiếng kêu gọi cần kiểm soát chặt chẽ hơn đối với lĩnh vực kinh doanh của các ngân hàng. Sự thua lỗ của JPMorgan đã giáng một đòn mạnh vào thị trường, làm át đi những số liệu kinh tế khá tích cực trước đó, trong đó lượng người thất nghiệp giảm tuần thứ 2 liên tiếp, nhập khẩu tăng lên trong tháng 3 được nhìn nhận như một dấu hiệu của sự gia tăng nhu cầu trong nước.
Với vàng, giá vàng thế giới trong tuần qua đã trượt giảm "thê thảm" trong bối cảnh những lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu gia tăng, cùng sự trượt dốc của các thị trường chứng khoán và hàng hóa. Đây cũng là tuần trượt dốc mạnh nhất của giá vàng kể từ đầu năm tới nay.
Theo giới phân tích, việc đồng USD tăng vọt lên mức cao nhất trong 3 tuần so với rổ tiền tệ đã gây sức ép lên những hàng hóa định giá bằng USD, trong đó có vàng.
Đóng cửa phiên ngày 11/5, giá vàng giao ngay giảm 0,8% xuống chốt tuần ở mức 1.5780,25 USD/ounce. Tính chung cả tuần, vàng để mất tới 3,7% - mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 18/12/2011.
Trong khi đó, với dầu mỏ, sau khi đã có một tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ đầu năm trong tuần trước nữa, thị trường “vàng đen” tuần qua lại tiếp tục sụt giảm trong bối cảnh những lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu tăng cao do những rối ren chính trị tại Hy Lạp và Tây Ban Nha, cùng những số liệu kinh tế đáng thất vọng tại nền kinh tế Trung Quốc.
Theo các chuyên gia phân tích, kết quả bầu cử tại Pháp và Hy Lạp (cho thấy các chính sách "thắt lưng buộc bụng" không được lòng dân và làm dấy lên các mối nghi ngại về khả năng của Eurozone trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ), nguồn cung dầu đang dồi dào, các kho dự trữ dầu của Mỹ đang đầy lên, vẫn là những nhân tố chính đẩy giá dầu đi xuống.
Đóng cửa phiên cuối tuần, tại thị trường New York, giá dầu thô WTI giao tháng 6/2012 chốt tuần ở mức 96,75 USD/thùng, thấp hơn so với mức chốt của tuần trước nữa là 98,25 USD/thùng, trong khi tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ lại tăng nhẹ lên 112,46 USD/thùng.
Một số chuyên gia dự báo giá dầu có thể sẽ còn tiếp tục giảm trong tuần tới.
Nguyễn Chiến