In bài viết

Từng bước áp dụng nghiệp vụ điều tra vào công tác kiểm tra sau thông quan

(Chinhphu.vn) - Để góp phần xây dựng lực lượng Hải quan chính quy, hiện đại, thời gian tới, ngành Hải quan sẽ từng bước áp dụng nghiệp vụ điều tra vào công tác kiểm tra sau thông quan (KTSTQ).

18/03/2023 18:13
Từng bước áp dụng nghiệp vụ điều tra vào công tác kiểm tra sau thông quan - Ảnh 1.

Công chức Cục KTSTQ kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất của doanh nghiệp.

Theo Tổng cục Hải quan, cập nhật từ đầu năm đến 15/2/2023, toàn Ngành đã thực hiện KTSTQ 56 cuộc, trong đó có 20 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, 36 cuộc tại trụ sở cơ quan Hải quan. 

Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 37,74 tỷ đồng, đã thực thu vào ngân sách nhà nước số tiền là 19,51 tỷ đồng. Đáng chú ý, riêng Cục KTSTQ thu nộp ngân sách 16,21 tỷ đồng, chiếm 83% số thu nộp ngân sách của toàn lực lượng.

Ngoài việc thu nộp ngân sách, thông qua công tác KTSTQ, cơ quan Hải quan còn giúp doanh nghiệp khắc phục sai sót trong thực hiện các quy định của pháp luật; đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định có liên quan để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Xây dựng mô hình tổ chức kiểm tra sau thông quan tập trung ở cấp Tổng cục

Từ khi thành lập (năm 2003) đến hết năm 2022, toàn lực lượng KTSTQ cả nước thực hiện 36.791 cuộc kiểm tra, tổng số tiền thu nộp ngân sách 23.878 tỷ đồng. Trong đó Cục KTSTQ thực hiện 2.197 cuộc, thu nộp ngân sách 6.580 tỷ đồng.

Các chuyên đề kiểm tra điển hình như: chuyên đề chống gian lận xuất xứ; chuyên đề hạt điều; chuyên đề thuốc và nguyên liệu nhập khẩu sản xuất thuốc...

Theo Cục trưởng Cục KTSTQ (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Tiến Lộc, để góp phần xây dựng lực lượng Hải quan chính quy, hiện đại, thời gian tới, có 3 nhiệm vụ trọng tâm đặt ra đối với lực lượng KTSTQ gồm:

Thứ nhất, xây dựng mô hình tổ chức KTSTQ tập trung ở cấp Tổng cục; áp dụng sâu rộng phương pháp kiểm toán sau thông quan; từng bước áp dụng nghiệp vụ điều tra vào công tác KTSTQ.

Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động KTSTQ theo hướng tự động xác định đối tượng cần KTSTQ trên cơ sở áp dụng mô hình tự động phân tích, đánh giá rủi ro, phân tích số liệu thống kê, các bài toán nghiệp vụ, các dấu hiệu khác thường trên hệ thống công nghệ thông tin của Hải quan số, mô hình Hải quan thông minh.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện các quy định về doanh nghiệp ưu tiên trên cơ sở khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO).

“Đây là các nhiệm vụ có tính chất dài hơi và đã được đặt ra trong Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030. Vấn đề đặt ra hiện nay là xây dựng các kế hoạch, giải pháp để tổ chức thực hiện một cách hiệu quả. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đang được Cục tập trung thực hiện. Đơn cử như để tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra trong công tác KTSTQ, Cục đã báo cáo lãnh đạo các cấp cho phép thành lập một phòng điều tra thuộc Cục KTSTQ”, Cục trưởng Nguyễn Tiến Lộc nhấn mạnh.

Chú trọng các vấn đề rủi ro theo từng giai đoạn

Về các nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong năm 2023, Tổng cục Hải quan xác định các yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan trong lĩnh vực KTSTQ cần chú trọng các vấn đề rủi ro tiềm ẩn gắn với từng giai đoạn, chủ động nghiên cứu, xây dựng các chuyên đề để triển khai thành các kế hoạch định hướng lớn mang tính dài hạn, chỉ đạo các cục hải quan địa phương thực hiện nhằm đảm bảo công tác “hậu kiểm” được tập trung, thống nhất, hiệu quả trên toàn quốc.

Trong năm nay, Cục KTSTQ tiếp tục hoàn thiện quyết định sửa đổi Quyết định 575/QĐ-TCHQ ngày 21/3/2019 về việc ban hành Quy trình KTSTQ, trong đó lồng ghép quy trình quản lý doanh nghiệp ưu tiên (thay thế Quyết định 2495/QĐ-TCHQ năm 2012 về Quy trình thẩm định, công nhận, gia hạn và quản lý doanh nghiệp ưu tiên) theo định hướng xử lý được các vướng mắc đang tồn tại, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật, quản lý được cán bộ công chức trong thực thi nhiệm vụ KTSTQ, tránh được những tiêu cực phát sinh.

Các chuyên đề KTSTQ được thực hiện thận trọng, có trọng tâm, trọng điểm

Đồng thời tăng cường công tác KTSTQ trong toàn quốc; tập trung triển khai các chuyên đề theo định hướng lớn, trọng tâm, trọng điểm; xây dựng kế hoạch định hướng để kiểm tra làm mẫu, đánh giá hiệu quả, trên cơ sở đó chỉ đạo các cục hải quan địa phương triển khai đảm bảo toàn diện, thống nhất, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm trên phạm vi toàn quốc…

Cục KTSTQ sẽ tiến hành KTSTQ thí điểm một số doanh nghiệp để hoàn thiện các vấn đề đang nghiên cứu. Sau đó, đánh giá, mở rộng thành chuyên đề định hướng, thực hiện KTSTQ và lập danh sách doanh nghiệp giao cho các cục hải quan địa phương thực hiện, đảm bảo các chuyên đề KTSTQ được thực hiện thận trọng, có trọng tâm, trọng điểm, có chất lượng, hiệu quả, bao quát được các vi phạm của doanh nghiệp trên phạm vi rộng, góp phần nâng cao tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, đảm bảo công tác quản lý nhà nước.

Đẩy mạnh cải cách và nâng cao chất lượng các hoạt động nghiệp vụ KTSTQ, không phát sinh khiếu nại, khiếu kiện. Tăng cường công tác quản lý nắm bắt tình hình hoạt động KTSTQ trên địa bàn được phân công. Tập trung triển khai và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, xây dựng kế hoạch định hướng và kế hoạch chi tiết sát với thực tế, theo đúng yêu cầu định hướng, đảm bảo hoàn thành 100% kế hoạch được giao…

TB