In bài viết

Từng bước minh bạch thị trường vàng trang sức

(Chinhphu.vn) - Nếu doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng kêu bị ảnh hưởng, bị xóa sổ sau khi Thông tư 22 có hiệu lực, chứng tỏ doanh nghiệp đó có vấn đề từ trước đến nay; còn nếu làm ăn chân chính sẽ không có gì phải lo ngại.

13/06/2014 16:53
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Trần Văn Vinh. Ảnh: VGP/Thu Cúc
Đó là khẳng định của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KHCN) Trần Văn Vinh sau hơn 1 tuần Thông tư 22/2013/TT-BKHCN về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức mỹ nghệ (Thông tư 22) có hiệu lực.

Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã trao đổi với ông Trần Văn Vinh sau khi Thông tư được triển khai trong thực tế.

Sau hơn 1 tuần có hiệu lực, Thông tư 22 tác động như thế nào đến thị trường vàng trang sức, thưa ông?

Ông Trần Văn Vinh: Thông tư 22 được ban hành với mục tiêu chính là cụ thể hóa các quy định trong Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành và có hiệu lực từ năm 2012.

Các yêu cầu quy định trong Nghị định 24 ghi rất rõ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng phải công bố tuổi vàng, ký mã hiệu… do vậy, các tổ chức, các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc coi những quy định tại Thông tư 22 là quy định mới thì không chính xác.

Thông tư 22 ra đời sẽ làm minh bạch thị trường vàng trang sức mỹ nghệ, thống nhất quản lý về đo lường, về chất lượng, tuổi vàng, khối lượng…

Đồng thời, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ hoạt động kinh doanh mua bán vàng chân chính, công khai minh bạch, hạn chế gian lận về hàm lượng và khối lượng vàng.

Trước những băn khoăn lo ngại về việc các doanh nghiệp nhỏ chưa có thời gian chuẩn bị để đáp ứng các quy định của Thông tư, nhiều cửa hàng vàng nhỏ có khả năng sẽ bị khách hàng quay lưng, khó tự chế tác, dễ bị phụ thuộc vào các doanh nghiệp lớn,... cơ quan quản lý có biện pháp gì để hỗ trợ cho các doanh nghiệp này, thưa ông?

Ông Trần Văn Vinh: Tôi khẳng định Thông tư 22 không tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp trong kinh doanh sản xuất vàng, mà chỉ yêu cầu doanh nghiệp khi sản phẩm vàng ra thị trường phải đảm bảo hàm lượng vàng, tuổi vàng đúng như đã công bố.

Trước thời gian Thông tư 22 được áp dụng chính thức, chúng tôi đã kéo dài thời gian tuyên truyền, cho doanh nghiệp chuẩn bị từ thời điểm ban hành là 9/2013 tới 1/6/2014. Trong khi đó, theo quy định sau khi ban hành Thông tư, thường chỉ sau 45 ngày đã đi vào áp dụng.

Như vậy là đã rất tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị. Tuy nhiên, thực tiễn hơn 1 tuần qua cho thấy, nhiều doanh nghiệp còn rất thụ động trong việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật mới mà doanh nghiệp thuộc đối tượng điều chỉnh. Khi chuẩn bị đến thời hạn phải áp dụng theo quy định theo quy định mới thì mới xem xét thực hiện nên gặp khó khăn bởi không hiểu rõ hoặc không đủ nguồn lực để thực hiện theo quy định.

Ngược lại, nhiều doanh nghiệp đã rất chủ động trong việc triển khai thực hiện theo Thông tư mới và sẵn sàng cho việc thực hiện. Nếu doanh nghiệp kêu bị ảnh hưởng, bị xóa sổ, chứng tỏ có vấn đề từ trước đến nay. Nếu đã làm ăn chân chính sẽ không có gì phải lo ngại.

Đối với những sai phạm về khối lượng, nhãn mác, tuổi vàng sẽ bị xử phạt như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Văn Vinh: Việc xử phạt vi phạm về chất lượng, đo lường và ghi nhãn hàng hóa theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Đo lường.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm hành chính sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định số 80/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo từng hành vi sẽ có mức phạt cụ thể.

Ví dụ: Về việc sử dụng phương tiện đo quy, mức tối thiểu là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 600.000 đồng, mức phạt tối đa là 100 triệu đồng, tùy theo hành vi vi phạm cụ thể.

Về chất lượng, quy định mức phạt tối thiểu là 2 triệu đồng, mức tối đa đến 5 lần tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm, tùy theo hành vi vi phạm cụ thể.

Doanh nghiệp vi phạm hành chính nếu đã xử phạt vi phạm hành chính mà không khắc phục vi phạm sẽ bị cưỡng chế thi hành hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc cưỡng chế thực hiện theo Nghị định 166/2013/NĐ-CP.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Theo Thông tư 22, vàng trang sức mỹ nghệ được quy định là vàng có hàm lượng từ 8 karat (tương đương 33,3%) trở lên, đã qua gia công, chế tác để phục vụ nhu cầu trang sức, trang trí mỹ thuật. Nếu hàm lượng vàng lớn hơn 999 phần nghìn (tính theo khối lượng), sản phẩm đó được coi là vàng tinh khiết. Chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ được phân hạng theo độ tinh khiết của vàng, với 17 hạng dao động từ 8 karat (độ tinh khiết không nhỏ hơn 33,3%) đến 24 karat (99,9%).

Thông tư 22 cũng quy định chi tiết tiêu chuẩn đối với sản phẩm nữ trang vàng có sử dụng thêm các kim loại khác trong quá trình gia công, chế tác…

Vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được phép lưu thông trên thị trường khi đã công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn theo quy định. Tiêu chuẩn công bố phải bao gồm các nội dung cơ bản như thông tin về sản phẩm và nhà sản xuất, phân phối, yêu cầu kỹ thuật và phải ghi ký hiệu để phân biệt từng loại vàng trang sức, mỹ nghệ. 

Thông tư 22 là bước đi tiếp theo trong lộ trình quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24 của Chính phủ, được kỳ vọng thiết lập lại trật tự trong thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ vốn bị thả nổi lâu nay (nguồn: Bộ KHCN).

Thu Cúc