In bài viết

Tuyên Quang: Dồn lực khắc phục thiệt hại và giúp người dân sớm ổn định đời sống sau cơn bão số 3

(Chinhphu.vn) - “Siêu bão” đi qua, lũ quét, ngập lụt sau hoàn lưu bão đã gây ra những tổn thất không nhỏ về tài sản. Tuy nhiên, người dân Tuyên Quang đã sớm khắc phục hậu quả sau bão lũ, đẩy nhanh tiến độ tái thiết khôi phục lại sản xuất, khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra.

24/09/2024 19:26

Hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 gây ra

Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 03, từ ngày 6 - 10/9/2024, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang xảy ra nhiều đợt mưa vừa, mưa to đến rất to; nhiều nơi bị ngập úng trên diện rộng, lũ quét gây thiệt hại về người, tài sản và các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi trên địa bàn toàn tỉnh.

Tuyên Quang: Dồn lực khắc phục thiệt hại và giúp người dân sớm ổn định đời sống sau cơn bão số 3- Ảnh 1.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tuyên Quang hướng dẫn người dân dựng lại lúa bị đổ do bão lũ. Ảnh: TTXVN

Theo thống kê của UBND tỉnh Tuyên Quang, đến nay đã có 5 người thiệt mạng, 6 người bị thương, 72 nhà bị sập đổ, hư hỏng hoàn toàn; 111 nhà thiệt hại nặng và rất nặng; 20.474 nhà bị ngập nước, thiệt hại dưới 30%; 5.182,6 ha lúa, 2.890 ha ngô, rau màu,1352,7 ha cây ăn quả và cây hàng năm bị ảnh hưởng, thiệt hại; 1.665 gia súc và 20.072 gia cầm bị chết; 39 điểm trường học bị ảnh hưởng; 37 công trình trạm bơm, đập dâng, hồ chứa, kè sạt lở và hư hỏng; 04 sự cố về đê, kè; nhiều tuyến đường giao thông Quốc lộ, đường địa phương bị ngập, ách tắc, sạt lở, hư hỏng… Ước thiệt hại khoảng 1.351 tỉ đồng.

Để khắc phục hậu quả sau bão lũ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố tập trung công tác ứng phó và khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra; thành lập nhiều đoàn công tác để thực hiện kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc công tác ứng phó với thiên tai trên địa bàn và lĩnh vực được giao phụ trách; huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội khắc phục hậu quả mưa lũ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh…

Đến 16 giờ ngày 20/9, Ban vận động cứu trợ tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận gần 80 tỉ đồng; Sở Tài chính tỉnh tiếp nhận 1,5 tỉ đồng vào nguồn thu ngân sách nhà nước (các khoản huy động không hoàn trả và đóng góp); Hội Nông dân tỉnh và Hội Chữ thập đỏ tỉnh tiếp nhận trên 348 tấn lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu và kinh phí của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ. Hiện đã phân bổ (đợt 1) để hỗ trợ về nhà ở, giống cây trồng và vệ sinh môi trường cho các hộ gia đình, địa phương trong tỉnh bị thiệt hại.

Khẩn trương khôi phục, tái thiết sản xuất nông nghiệp

Là tỉnh miền núi, kinh tế nông nghiệp vẫn là chủ đạo nên ngay sau bão lũ, Tuyên Quang đã khẩn trương khắc phục thiệt hại đối với các ngành sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn. Các địa phương trong tỉnh cũng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cải tạo, phục hồi đất, diện tích lúa và cây trồng nhằm nhanh chóng đưa sản xuất nông nghiệp ổn định trở lại.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, Tuyên Quang đã bị ngập úng trên diện rộng, gây thiệt hại về người, tài sản, các công trình hạ tầng (giao thông, thủy lợi, trụ sở, điểm trường...) bị ngập nước, sạt lở, hư hỏng. Riêng về thiệt hại về nông nghiệp, diện tích lúa bị ảnh hưởng 5.430ha; trên 3.400ha cây trồng hàng năm; trên 800 ha cây ăn quả; 720ha cây lâm nghiệp; gần 1.600 con gia súc, gần 10.000 con gia cầm; gần 600ha ao cá bị ngập, tràn bờ; 415 lồng bè nuôi trồng thủy sản trên sông... bị thiệt hại…

Ông Nguyễn Thành Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang) cho biết, trước những thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra, tỉnh Tuyên Quang đã nhanh chóng thực hiện các phương án khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất.

Theo đó, ngành nông nghiệp phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập các đoàn công tác để rà soát, thống kê thiệt hại đối với sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; hướng dẫn các biện pháp khôi phục sản xuất nông nghiệp; tham mưu, đề xuất phương án khắc phục và hỗ trợ kịp thời những hộ gia đình có diện tích sản xuất, chăn nuôi bị ảnh hưởng, thiệt hại. Các địa phương trong tỉnh huy động nông dân phát huy tối đa nguồn lực để khôi phục sản xuất, có phương án thu hoạch và cải tạo, phục hồi các diện tích lúa, hoa màu, cây lâm nghiệp bị ảnh hưởng…

Bên cạnh sự nỗ lực của tỉnh, chính quyền địa phương và của chính người dân, Tuyên Quang cũng nhận được sự quan tâm rất lớn của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước động viên cả về tinh thần và vật chất.

Ngay sau khi cơn bão số 3 qua đi, lũ rút, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do bão, lũ tại xã Tân Long, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Thăm hỏi, động viên và hỗ trợ nhân dân vùng bị thiệt hại do bão lũ, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã trao địa phương: 3 tấn gạo; 10.000 gà ta giống; 5 tấn thức ăn chăn nuôi kèm theo; 500 xuất quà (vật dụng cá nhân, thuốc men); 1.000 lít hóa chất tiêu độc, khử trùng và 100 triệu đồng.

Cùng chung tay hỗ trợ người dân tái thiết sản xuất sau bão lũ, ông Nguyễn Thanh Tùng, Trợ lý Phó Tổng Giám Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam - một trong những doanh nghiệp hỗ trợ tỉnh Tuyên Quang chia sẻ, ngoài sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp rất quan tâm các hoạt động hỗ trợ cộng đồng. Đặc biệt, công ty đã trao tặng 10.000 con gà giống và 5 tấn thức ăn chăn nuôi cho bà con tại tỉnh Tuyên Quang nhằm giúp bà con nông dân sớm cải thiện cuộc sống, phục hồi sản xuất sau mưa lũ.

Mặc dù, thời gian để tái thiết lại những hư hại, tổn thất do lũ lụt gây ra không phải một sớm một chiều, nhưng bằng ý chí, nghị lực của người dân; đặc biệt với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các lực lượng vũ trang, ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trong chỉ đạo, chung tay khắc phục hậu quả, bảo vệ và hỗ trợ người dân vùng thiên tai, người dân Tuyên Quang đã sớm ổn định lại cuộc sống sau trận lũ lịch sử.

Nỗ lực khôi phục hạ tầng giao thông sau mưa lũ

Cơn bão số 3 Yagi và hoàn lưu bão đã gây mưa lớn trên diện rộng, gây ra sạt lở, đứt gãy giao thông ở một số tuyến đường; nhiều công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, nhằm bảo đảm hoạt động giao thông thông suốt, ngành Giao thông vận tải tỉnh dồn toàn lực để khắc phục thiệt hại.

Để ứng phó với cơn bão số 3 và hoàn lưu bão, kịp thời khắc phục thiệt hại về giao thông, ngành đã xây dựng phương án cụ thể và chuẩn bị các máy móc và nhân lực 24/24 giờ ứng trực, kịp thời ứng cứu, khắc phục hậu quả thiên tai khẩn cấp, chủ động trong công tác khắc phục sạt lở. Đến nay, các tuyến đường huyết mạch của tỉnh đã thông tuyến.

Hiện, ngành Giao thông vận tải và các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo nhà thầu bảo dưỡng bố trí nhân lực, máy móc thiết bị, vật tư, vật liệu triển khai các công việc liên quan đến công tác khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông theo quy định.

Các đơn vị tập trung thu dọn ngay phần đất, đá lấp trôi lấp mặt đường, rãnh dọc, lề đường bảo đảm việc thoát nước, không để nước từ rãnh dọc chảy tràn qua mặt đường gây hư hỏng kết cấu nền, mặt đường, công trình; phát dọn cây cối đổ ra đường, vệ sinh mặt đường, mặt tràn; khơi thông rãnh dọc, cống thoát nước, căng dây rào chắn, cắm biển báo hiệu tạm thời hai đầu đoạn tuyến xảy ra sự cố sạt lở, hư hỏng công trình đường bộ... trực chốt tại các vị trí tràn hoặc đường ngập, úng.

Các đơn vị chức năng cử đội kiểm tra, tuần đường để nắm tình hình, chủ động xử lý, khắc phục thiệt hại có thể xảy ra do mưa lũ tại các huyện, thành phố đảm bảo kịp thời, an toàn. Ngoài ra, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo việc kiểm tra, rà soát, thống kê cụ thể các thiệt hại, chủ động bố trí kinh phí để khắc phục thiệt hại về kết cấu hạ tầng giao thông đường địa phương theo quy mô cấp đường hiện tại…

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu bão, các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh phải tạm dừng thi công. Ngay sau khi thời tiết đảm bảo yêu cầu cho công tác thi công, tại công trường Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (đoạn qua tỉnh Tuyên Quang) các nhà thầu, đơn vị thi công đã tập trung nhân lực, phương tiện, máy móc bắt tay ngay vào thi công trở lại.

Thùy Chi