In bài viết

Tuyển sinh Đại học - Cao đẳng 2012: Duy trì thi “3 chung” trong 3 năm tới

Sáng 14-2, Hội nghị Hiệu trưởng trường ĐH-CĐ diễn ra tại Hà Nội đã đề xuất 5 điều chỉnh mới xung quanh những thay đổi tuyển sinh năm 2012. Theo đó, phương án thi "3 chung” vẫn được Bộ GD&ĐT giữ nguyên cho đến năm 2015. Quy chế thi có phần tạo thuận lợi cho thí sinh có cơ hội đỗ cao; các trường được giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong xét tuyển. Hướng tới năm 2020, kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ sẽ được rút lại còn 1 đợt thi.

17/02/2012 08:37

Ảnh: TL


Nhiều đổi mới trong tuyển sinh

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, hòa chung sự phát triển kinh tế-xã hội cả nước, kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2012 sẽ phải đáp ứng yêu cầu đặt ra về chất lượng, công bằng, minh bạch để ngày càng đảm bảo vai trò đào tạo, nuôi dưỡng nhân tài; đóng góp cho xã hội nguồn nhân tài vật lực xứng tầm. Trong những năm qua giáo dục ĐH chúng ta đã có nhiều cố gắng, đặc biệt phát huy vai trò của địa phương, kết quả thanh tra, công tác tuyển sinh... đã thể hiện những kết quả đáng khích lệ của năm 2011.

Về lộ trình đổi mới tuyển sinh năm 2012 và những năm tới, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy 2012 về cơ bản vẫn giữ ổn định theo giải pháp "3 chung” cho tới năm 2015. Nhưng điểm mới được bổ sung là sẽ tuyển thẳng đối với học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia đối với những trường hợp đạt giải nhất, nhì, ba thi vào ĐH và giải khuyến khích thi vào CĐ. Kỳ thi năm nay vẫn tổ chức thi theo các khối thi truyền thống A, B, C, D, các khối năng khiếu và bổ sung thêm khối A1 (Toán, lý, Tiếng Anh). Về cụm thi, ngoài 3 cụm thi tại Vinh, Quy Nhơn và Cần Thơ như những năm trước sẽ bổ sung cụm Hải Phòng và cho phép thí sinh dự thi tại cụm Vinh đăng ký học tại các trường ĐH đóng tại TP.Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, năm 2012, Bộ GD&ĐT áp dụng hình thức giao cho các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm xét tuyển. Bởi vậy, Bộ sẽ bỏ hình thức xét tuyển NV2 (nguyện vọng), NV3, mà giao các trường xét tuyển khi nào đủ chỉ tiêu thì thôi. Điều này khắc phục nhược điểm có trường không đủ chỉ tiêu, nhưng có thí sinh đạt điểm cao mà vẫn không thể đỗ vào bất cứ trường nào. Theo đó, các trường sẽ căn cứ điểm sàn, chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm sàn. Hàng năm chậm nhất là ngày 31-12, các trường phải báo cáo về Bộ GD&ĐT kết quả tuyển sinh, cũng như kết quả chỉ tiêu đề xuất thực hiện của năm tới.
Các trường phải công bố công khai chỉ tiêu ngành, môn học, học phí, chỗ ở ký túc xá... công khai trên website nhà trường, đồng thời chịu trách nhiệm về thông tin đã công bố. Một đổi mới khá đặc biệt là năm nay, Bộ không chủ trì in và phát hành cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh”. Những thông tin này thí sinh có thể truy cập website của Bộ GD&ĐT để cập nhật. Có ý kiến đề xuất, việc in cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh” vẫn nên thực hiện, nhưng giao Nhà xuất bản in sau khi đã tập hợp dữ liệu do các trường gửi đến, Bộ sẽ giám sát và xử lý những khâu sai sót.

Đổi mới ĐH còn khá nhiều vướng mắc?

Đánh giá về thực trạng giáo dục ĐH hiện nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, hoạt động của hệ thống các trường ĐH hiện nay cần phải xem xét lại một cách chi tiết, khắc phục nhiều nhược điểm tồn tại. Cụ thể, vấn đề quản lý tài chính, quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT vẫn chưa có chỉ rõ, chưa có báo cáo Thủ tướng một cách cụ thể. Đặc biệt thực hiện Nghị quyết của Quốc hội là tăng học phí thì hiệu quả chất lượng tăng theo như thế nào? Việc đẩy mạnh chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội, xây dựng kế hoạch đào tạo tại các trường, các địa phương ở cấp quốc gia được thực hiện ra sao? Bộ GD&ĐT chưa đề cập tới. Quan trọng hơn, việc đẩy mạnh đánh giá, kiểm định chất lượng GDĐH theo hướng đẩy nhanh tiến độ tự đánh giá các trường ĐH-CĐ được triển khai từng bước kiểm định và xây dựng chuẩn hình thành một số cơ quan kiểm định độc lập đã được Thủ tướng chỉ đạo từ năm 2010, nhưng đến nay Bộ GD&ĐT vẫn chưa đề cập tới. Ngay cả việc xác định ba cơ quan kiểm định ngoài Cục khảo thí đến nay thực hiện ra sao? Bộ GD&ĐT hiện vẫn chưa nói rõ. Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, những đổi mới của kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012 sẽ tạo nhiều đột phá, tạo cơ hội đỗ nhiều hơn cho thí sinh, giải tỏa những áp lực bất hợp lý từ bất cập xét tuyển nguyện vọng cho các trường, phân cấp tự chủ và tự chịu trách nhiệm cao hơn. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục ĐH một cách toàn diện, ông Luận cho rằng, Bộ GD&ĐT đã nỗ lực nghiên cứu các giải pháp, từng bước áp dụng tạo hiệu quả và dần có sự chỉnh lý, không thể là chuyện một sớm một chiều.