Năm 2023, Trường Đại học Phenikaa tuyển 7.668 chỉ tiêu cho 41 ngành, chương trình đào tạo với 3 phương thức xét tuyển. So với năm 2022, năm nay, trường tăng hơn 2.000 chỉ tiêu và có thêm 5 ngành đào tạo mới, gồm: Kỹ thuật phần mềm, răng-hàm-mặt, Đông Phương học, ngôn ngữ Pháp, logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
Theo PGS.TS. Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa, với ngành "hot" răng-hàm-mặt, học phí trung bình là 150 triệu/năm. Tuy nhiên, sinh viên nhập học năm 2023 sẽ được giảm 50% học phí năm đầu tiên. Từ năm thứ 2 trở đi, học phí được giảm 40%, nhưng không quá 5 năm. Việc giảm học phí này nhằm tạo cơ hội học tập cho thí sinh ở khối ngành khoa học sức khoẻ.
Một điểm mới đáng chú ý nữa trong tuyển sinh năm nay là nhà trường giảm 2 phương thức xét tuyển so với năm 2022, chỉ còn 3 phương thức xét tuyển, gồm: Xét tuyển thẳng theo đề án tuyển sinh của trường (10-20% tổng chỉ tiêu), xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (40-60% tổng chỉ tiêu) và xét tuyển dựa vào học bạ bậc THPT (30-40% tổng chỉ tiêu). Lãnh đạo trường Phenikaa cho biết, việc tinh gọn các phương thức xét tuyển là để tránh tình trạng lúng túng, làm khó thí sinh trong việc lựa chọn các phương thức xét tuyển.
Học viện Hàng không Việt Nam cũng đã công bố thông tin tuyển sinh 11 ngành với tổng chỉ tiêu 2.705, tăng gần 600 so với năm 2022. Trong đó, chỉ tiêu ngành ngôn ngữ Anh tăng gần gấp đôi, từ 180 lên 345. Tiếp theo là ngành quản trị kinh doanh, từ 440 lên 540. Các ngành còn lại tăng phổ biến 20-30 chỉ tiêu so với mức tuyển năm 2022. Duy nhất ngành công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa giảm từ 180 xuống 140.
Ở ngành quản trị kinh doanh, Học viện Hàng không Việt Nam sẽ mở chuyên ngành khai thác hàng không, dạy và học bằng tiếng Anh hoàn toàn.
Nhà trường giữ ổn định 5 phương thức tuyển sinh như năm 2022, gồm xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2023, ưu tiên xét tuyển theo đề án riêng của trường, tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT, xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM.
Ngoài 2 trường nói trên, một số trường ĐH tăng nhiều chỉ tiêu hơn so với các năm trước, như: Trường ĐH Ngoại thương dự kiến tuyển 4.100 sinh viên cho cả trụ sở chính Hà Nội và các cơ sở trực thuộc (tăng 110 chỉ tiêu so với năm 2022). Trường giữ ổn định 6 phương thức tuyển sinh đại học chính quy như năm 2022. Điểm khác biệt đó là nhà trường sẽ bắt đầu tuyển sinh một số ngành, chương trình mới là kinh tế chính trị, kinh tế chính trị quốc tế (tại trụ sở chính Hà Nội).
Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội dự kiến tuyển 7.500 chỉ tiêu đại học chính quy cho 50 ngành, chương trình đào tạo ở mùa tuyển sinh 2023, tăng 380 chỉ tiêu so với năm ngoái.
Trường ĐH Thủy lợi tuyển sinh tổng 5.500 chỉ tiêu, nhiều hơn 1.500 chỉ tiêu so với năm 2022. Trường mở thêm 2 ngành dự kiến là ngôn ngữ Hàn và ngôn ngữ Trung.
Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TPHCM có tổng chỉ tiêu dự kiến là 6.610, tăng 1.310 chỉ tiêu so với năm 2022.
Trường ĐH Kinh tế TPHCM có 7.650 chỉ tiêu tại cơ sở TPHCM và 600 chỉ tiêu tại phân hiệu Vĩnh Long, tăng hơn 1.000 chỉ tiêu so với năm ngoái.
Trường ĐH Giao thông vận tải tuyển 5.800 sinh viên cho 31 ngành đào tạo tại 2 cơ sở (tăng 200 chỉ tiêu so với năm 2022). Trong đó, trụ sở chính Hà Nội tuyển 4.300 sinh viên, phân hiệu TPHCM tuyển 1.500.
Nhật Nam