In bài viết

“Tuyệt chiêu” khuyến học của cựu chiến binh Lương Sơn

(Chinhphu.vn) – Những cựu chiến binh ở xã Thanh Lương, huyện Lương Sơn, Hòa Bình có một "tuyệt chiêu" vực dậy kết quả học tập không mấy sáng sủa của nhiều học sinh tại địa phương.

23/12/2014 14:53

Các cựu chiến binh xã Thanh Lương đi động viên, kiểm tra các em học sinh học bài tại nhà. - Ảnh: VGP/Nguyễn Thắng

Giữa tháng 12, gió mùa đông bắc tăng cường, trời lạnh tê tái, nhưng không khí trong phòng làm việc của Hội Cựu chiến binh xã Thanh Lương luôn sôi nổi. Như thường lệ, Hội cựu chiến binh xã và hiệu trưởng các trường trong xã tổ chức họp giao ban để nắm tình hình học tập của học sinh tại địa phương.

“Trong tháng qua, 3 học sinh có biểu hiện lơ là, thậm chí có em nghỉ học nhiều ngày”, thầy Lê Văn Hùng, Hiệu trưởng trường THCS Thanh Lương thông báo.

Thầy hiệu trưởng vừa dứt lời, ông Nguyễn Xuân Bình, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thanh Lương đưa ý kiến: “Ngay trong tối nay, các cựu chiến binh xã cùng các thầy giáo sẽ tới từng nhà học sinh trao đổi với phụ huynh để vực dậy tình thần học tập của các em”.

Chỉ hai học sinh đỗ tốt nghiệp

Nhiều năm về trước, ở xã Thanh Lương - nơi có đến 70% là đồng bào dân tộc Mường - sự quan tâm đến việc học hành của lũ trẻ là chuyện khá xa xỉ đối với những ông bố, bà mẹ quanh năm chật vật với gánh nặng cơm áo gạo tiền. Hết những ngày mùa bận rộn, nhiều cặp vợ chồng lại dắt nhau lên thành phố kiếm sống. Những đứa trẻ được giao lại cho ông bà chăm sóc.

“10 năm trước, hầu hết các gia đình trong xã chưa thực sự nghiêm túc chăm lo cho việc học của con trẻ, bố mẹ của nhiều em mải đi làm ăn xa mà thiếu quan tâm đến học tập của các con”, ông Bình mở đầu câu chuyện.

Cũng bởi lẽ đó mà bức tranh giáo dục của xã không có nhiều điểm sáng. Tinh thần học tập của các em học sinh có biểu hiện xuống dốc. Hằng năm, trong xã có từ 3 đến 5 em bỏ học. Học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng rất hiếm.

Đặc biệt, năm học 2006-2007, những người quan tâm đến giáo dục xã Thanh Lương nhận tin sét đánh: Cả xã chỉ có 2 em thi đỗ trong tổng số hơn 40 học sinh thi tốt nghiệp THPT.

“Nhận được tin đó, tôi và nhiều cựu chiến binh khác thức trắng đêm. Chúng tôi cùng các thầy cô rất nóng ruột, đứng ngồi không yên”, ông Bình nhớ lại.

Ngay sáng hôm sau, ông Bình cùng các hội viên đã soạn ra một bản kế hoạch chi tiết và dài hơi phối hợp giữa Hội Cựu chiến binh với các nhà trường trong xã để “xốc” lại tinh thần học tập của học sinh. Đảng ủy, chính quyền và bà con xã Thanh Lương nhiệt tình ủng hộ.

Vào các buổi tối, khi cơm nước xong, các cựu chiến binh cùng thầy cô giáo lại gõ cửa từng nhà để động viên, kiểm tra việc học bài ở nhà của con em trong xã. Những người lính năm xưa đã có một "tuyệt chiêu" trong chiến lược chăm lo cho sự nghiệp học hành của lũ trẻ: Đi kiểm tra không báo trước. “Có như vậy, chúng tôi mới biết được tình hình học tập thực tế của các em”, ông Bình chia sẻ.

Các cựu chiến binh cùng thầy cô giáo đã không khỏi giật mình khi tận mắt nhìn thấy tình trạng học bài của con em trong xã. Rất nhiều gia đình không đôn đốc các em học bài ở nhà. Hầu hết các cháu không có góc học riêng, nhiều cháu học trên giường ngủ, có cháu học dưới đất, thậm chí có cháu đang học mà vô tuyến vẫn mở ngay bên cạnh.

Thấy vậy, các hội viên cựu chiến binh và các thầy cô giáo đã ngồi lại cùng trao đổi, bàn bạc với cha mẹ các em học sinh để tháo gỡ những bất cập trên. Nghe có lý, có tình nên nhiều gia đình đã làm theo.

“Các gia đình đã tạo góc học tập riêng, yên tĩnh để các em học bài. Người lớn đã biết quan tâm dành thời gian cho lũ trẻ học tập và nhắc nhở chúng học bài ở nhà”, ông Bình nói.

Chính sự thay đổi này đã mang lại những trái ngọt cho cho sự nghiệp giáo dục ở xã Thanh Lương.

“Thay đổi kỳ diệu”

Cô Hoàng Thị Thanh Tịnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Lương không giấu nổi niềm vui trước kết quả học tập của học sinh trong những năm gần đây. Năm ngoái, trường tiểu học xã đã có 6 em học sinh giỏi cấp huyện và 3 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh. Trong xã đã có nhiều em đạt học sinh giỏi cấp quốc gia.

“Độ 7 năm về trước, chúng tôi không dám nghĩ đến kết quả này”, cô Huệ phấn khởi chia sẻ. “Đây là sự thay đổi kỳ diệu, một kết quả ngoài mong đợi đối với sự nghiệp giáo dục của xã Thanh Lương”.

Theo ông Hà Công Đệ, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thanh Lương thì sự thay đổi quan trọng nhất là nhận thức của các bậc phụ huynh về việc học của con em mình. “Bây giờ, các ông bố, bà mẹ đã coi việc học tập của các con quan trọng hơn cả kiếm miếng cơm hàng ngày”, ông Đệ cho hay.

Gia đình anh Nguyễn Văn Thủy và chị Bùi Thị Toàn ở thôn Gò Mu là một ví dụ điển hình. Chồng làm nghề thợ xây, vợ làm ruộng, hai vợ chồng cả ngày đầu tắt mặt tối với công việc. "Ngày trước, vợ chồng tôi cũng chẳng mấy khi để tâm đến việc học của các con”, anh Thủng tâm sự. “Đến khi các cựu chiến binh và thầy cô vào tận nhà nói chuyện về lợi ích của giáo dục thì vợ chồng tôi đã hiểu ra. Dù còn khó khăn, nhưng vợ chồng tôi quyết dành điều kiện tốt nhất để các con yên tâm ăn học thành người”.

Không chỉ riêng gia đình ảnh Thủy, mà hầu hết các gia đình trong xã đều có nhận thức như vậy về giáo dục. Đến nay, xã Thanh Lương không có học sinh bỏ học. Mấy năm ngần đây, học sinh thi đỗ tốt nghiệp Tiểu học và THCS đạt trên 98%. Mỗi năm có hơn chục em đỗ vào các trường đại học và cao đẳng.

Những việc làm không biết mệt mỏi trên của các cựu chiến binh trong xã đã được ghi nhận xứng đáng. Bản thân ông Nguyễn Xuân Bình đã hai lần được Thủ tướng Chính phủ tăng Bằng khen. Hội Cựu chiến binh xã Thanh Lương đã được Chủ tịch tỉnh và Hội Cựu chiến binh tỉnh Hòa Bình nhiều năm liền tặng Bằng khen.

“Thấy việc làm của chúng tôi mang lại hiệu quả thiết thực, Hội Cựu chiến binh và Phòng Giáo dục huyện Lương Sơn đã nhân rộng mô hình khuyến học của Hội Cựu chiến binh xã Thanh Lương ra toàn huyện”, ông Bình nói.

Nguyễn Thắng