Sáng 12/7, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại tỉnh Thái Bình.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Thái Bình, toàn tỉnh có tổng số 20.329 thí sinh đăng ký dự thi trong đó học sinh THPT là 18.143 em; học sinh giáo dục thường xuyên là 2.186 em còn học sinh tự do là 980 em. Số điểm thi là 33 điểm; 868 phòng thi, 80 phòng chờ (trong đó có 24 điểm thi ghép) và 33 phòng dự phòng.
Sở GD&ĐT Thái Bình cho biết, số cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác chấm thi ở các khâu được bố trí đầy đủ với ban làm phách 14 người; ban chấm thi trắc nghiệm 23 người; ban chấm thi tự luận 156 người.
Trong khâu bố trí làm phách, ban làm phách cách ly hoàn toàn với bên ngoài. Đầu phách được đóng gói, niêm phong theo đúng quy định và bàn giao cho ban thư ký sau khi ban chấm tự luận hoàn thành công tác chấm thi.
Địa điểm chấm thi tự luận được lắp đủ camera tại các phòng, công an bảo vệ 24 giờ/ngày trong suốt quá trình chấm thi, bảo đảm đủ các quy định về an ninh, an toàn.
Đối với công tác chấm thi trắc nghiệm, địa điểm chấm thi có camera giám sát cả trong và hành lang. Bài thi được lưu giữ tại phòng chấm, đựng trong các hòm, được khoá và niêm phong sau mỗi buổi chấm; chìa khoá do Tổ trưởng tổ thư ký của ban chấm giữ. Cửa phòng được khóa và niêm phong.
Công tác bố trí nhân sự tham gia công tác chấm thi được lựa chọn theo tiêu chuẩn, điều kiện của Quy chế thi, quy định và tình hình thực tế của địa phương; kế hoạch; phân công nhiệm vụ.
Trong quy trình chấm thi tự luận, việc giao nhận túi bài thi giữa trưởng môn, tổ trưởng; tổ trưởng và các cán bộ chấm thi theo hình thức bốc thăm nguyên túi. Sau khi hoàn thành mỗi đợt chấm, Tổ chấm kiểm tra nhận túi đựng bài thi đã chấm từ Ban Thư ký để chấm kiểm tra. Tổ vào điểm nhập điểm theo tiến độ chấm.
Sau quá trình kiểm tra phòng chấm thi tự luận, trắc nghiệm và trao đổi với cán bộ chấm thi, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc ghi nhận, Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT 2022 tỉnh Thái Bình đã thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế các khâu chấm thi. Việc tổ chức chấm thi có sự chuẩn bị kĩ càng, chất lượng, chu đáo từ cơ sở vật chất đến nhân lực tham gia chấm thi, từ đó góp phần bảo đảm tiến độ chung của cả nước.
Cũng trong sáng 12/7, Đoàn kiểm tra do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác chấm thi tốt nghiệp THPT 2022 tại Hội đồng thi tỉnh Hòa Bình.
Sở GD&ĐT Hòa Bình đã quyết định thành lập ban chấm thi trắc nghiệm với 25 thành viên; ban chấm thi tự luận gồm hơn 100 thành viên. Ngày 11/7, Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT 2022 của tỉnh Hòa Bình đã tổ chức khai mạc công tác chấm thi đối với môn tự luận.
Trước khi chấm chính thức, Hội đồng thi tổ chức cho cán bộ nghiên cứu hướng dẫn chấm và cử 100 người tham gia chấm chung 10 bài. Sáng 12/7, việc chấm thi chính thức được thực hiện, mỗi tổ bố trí 1 phòng chấm riêng. Thời gian chấm dự kiến từ 7-10 ngày.
Tỉnh Hòa Bình cũng xây dựng phương án thanh tra, kiểm tra, giám sát ban chấm bài thi tự luận, gồm 4 cán bộ kiểm tra ủy quyền của Bộ GD&ĐT; 18 cán bộ thanh tra của Sở GD&ĐT Hòa Bình.
Sau khi kiểm tra thực tế, Đoàn kiểm tra lưu ý, chấm thi là khâu quan trọng; vì thế không để xảy ra sơ suất, dù là nhỏ nhất. Muốn vậy, mọi công tác cần bám sát quy chế thi và các quy định về chấm thi; đặc biệt tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trong tất cả các công đoạn.
Làm việc với Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT tỉnh Hòa Bình, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn ghi nhận, đánh giá cao công tác chuẩn bị, tổ chức coi thi, chấm thi. Các văn bản chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra phân công, phân nhiệm rõ ràng, khoa học. Công tác chấm thi được Ban chỉ đạo chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo.
Thứ trưởng đề nghị, mỗi cán bộ tham gia trong khâu chấm thi phải rõ trách nhiệm của mình, tuân thủ quy trình, nguyên tắc làm việc. Trong công tác chấm thi phải có sự trao đổi, thống nhất để bảo đảm yếu tố khách quan.
Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh cần tiếp tục rút kinh nghiệm để có sự thống nhất trong chỉ đạo và yêu cầu về chuyên môn; từ đó cải tiến và tiếp tục hoàn thiện trong công việc.
Thứ trưởng lưu ý, kết quả kỳ thi dùng để xét tốt nghiệp THPT cho học sinh, đánh giá về công tác dạy học ở các địa phương và dùng để xét tuyển đại học. Vì thế, việc tổ chức kỳ thi cần làm tốt ở tất cả các khâu để thí sinh, phụ huynh và xã hội yên tâm.
Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ dẫn đầu Đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã tới kiểm tra công tác chấm thi tại tỉnh Quảng Nam.
Công tác làm phách bài thi được Hội đồng thi tỉnh Quảng Nam triển khai từ ngày 10-19/7, chấm thi trắc nghiệm từ ngày 9-21/7, chấm thi tự luận từ ngày 12-19/7.
Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định về việc thanh tra công tác chấm thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Theo đó, Đoàn thanh tra gồm 12 thành viên, trong đó có 1 cán bộ thanh tra tỉnh được phân công nhiệm vụ thanh tra Ban chấm thi trắc nghiệm.
Tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định tầm quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp THPT, khi vừa lấy kết quả xét tốt nghiệp, vừa được nhiều trường Đại học sử dụng làm căn cứ xét tuyển.
Đồng thời, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của công tác chấm thi và cho rằng, chất lượng của Hội đồng chấm thi sẽ là một trong những cơ sở để chứng minh coi thi có tốt hay không.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, để bảo đảm chấm đúng, chính xác, công bằng, khách quan, trung thực, các thầy cô giáo làm công tác chấm thi phải gạt hết áp lực khác, xác định rõ ràng tinh thần vì học sinh và chỉ có một áp lực là làm sao chấm đúng cho học sinh.
Thứ trưởng cũng lưu ý, với các thầy cô làm công tác chấm thi phải nắm chắc quy chế, hướng dẫn, rõ quy trình chấm. Trong đó, Thứ trưởng nêu cụ thể về nguyên tắc chấm tự luận 2 vòng độc lập, việc thống nhất điểm giữa hai người chấm, tổ chức chấm chung nghiêm túc.
Thứ trưởng khẳng định: "Sự chênh lệch giữa hai giám khảo càng giảm, chất lượng chấm càng tốt. Sau khi công bố kết quả thi, càng ít thí sinh xin phúc khảo bài thi càng tốt vì số lượng xin phúc khảo cũng phản ánh chất lượng của khâu chấm thi".
Đồng thời, cần lưu ý lựa chọn những bài điểm cao để chấm kiểm tra lại, qua đó, khẳng định những bài điểm cao là đúng với năng lực các em. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm chấm kiểm tra với ít nhất 5% số bài thi và quá trình làm bảo đảm có cơ chế giám sát lẫn nhau.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng lưu ý rằng, trong quá trình chấm thi tránh làm mất điểm của thí sinh.
"Nếu chấm không chính xác sẽ mang lại thiệt thòi cho các em. Khi chấm thi hãy đặt địa vị mình là thí sinh sẽ buồn ra sao nếu bài thi của mình không được đánh giá công bằng, chính xác", Thứ trưởng nhắc nhở.
Đặc biệt, Thứ trưởng cũng nhắc nhở các giáo viên làm công tác chấm thi cần cẩn trọng ở khâu cộng điểm để không cộng sót điểm trong bài thi của thí sinh. Giám khảo chấm thi cần bảo mật nội dung bài thi của thí sinh, không đưa nội dung bài làm, kết quả của thí sinh lên mạng xã hội để bình luận.
Nhật Nam