Chiều 12/1, Ủy ban An ninh hàng không (ANHK) dân dụng quốc gia tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai công tác năm 2024. Hội nghị kết nối trực tuyến với Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố của các tỉnh, thành có sân bay, cảng hàng không trên cả nước.
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, trong năm 2023, tổng thị trường vận tải hàng không ước đạt xấp xỉ 74 triệu khách, tăng 34,5% so với năm 2022 và bằng 93,6% so với năm 2019-thời điểm trước dịch COVID-19; và 1,1 triệu tấn hàng hoá, giảm 9,3% so với năm 2022 và bằng 87,3% so với năm 2019.
Vận chuyển khách quốc tế đạt 32 triệu khách, tăng 1,7 lần so với năm 2022 và bằng 77% so với năm 2019.
Đến nay, có 63 hãng hàng không nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác thị trường quốc tế với 169 đường bay quốc tế thường lệ và thuê chuyến kết nối 28 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong khi đó, mạng đường bay nội địa được duy trì và phát triển với 66 đường bay, mỗi ngày có hơn 600 chuyến bay.
Đáng chú ý, các hãng hàng không của Việt Nam đẩy mạnh khai thác các đường bay đến Ấn Độ, đã vận chuyển 920.000 hành khách, tăng 15 lần so với năm 2019; đến Australia với 913.000 hành khách, tăng 40% so với năm 2019.
Trong năm qua, các bộ, ngành, địa phương và đơn vị, doanh nghiệp hàng không đã nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch công tác năm của Uỷ ban ANHK và Kết luận chỉ đạo Chủ tịch Uỷ ban ANHK.
Hoạt động vận tải hàng không về cơ bản đáp ứng nhu cầu của hành khách với an toàn, an ninh hàng không được đảm bảo, chất lượng dịch vụ được duy trì và nâng cao. Đặc biệt, các lực lượng đã nhanh chóng triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó với tình huống phức tạp về an ninh, trật tự; kiểm soát tốt tình hình, loại trừ yếu tố đe doạ khủng bố, phá hoại, can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng từ xa, từ sớm, không để bị động, bất ngờ.
Công tác triển khai xác thực sinh trắc học kết hợp với xác thực CCCD gắn chíp điện tử khi làm thủ tục cho hành khách đi tàu bay chính thức thí điểm tại tất cả các sân bay trong nước, trở thành điểm sáng trong thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025.
Số liệu thống kê cho thấy so với cùng kỳ năm 2022, tổng số vụ việc liên quan đến ANHK tăng 445 vụ, trong đó tăng mạnh nhất là số vụ hành khách không được phép nhập cảnh, bao gồm cả ở Việt Nam và nước ngoài (806 vụ so với 340 vụ năm 2022).
Số vụ hành khách mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ giảm, nhưng mang vật phẩm nguy hiểm trong hàng hoá lại tăng; hành vi gây rối trật tự công cộng, đe doạ, hành hung nhân viên hàng không trên tàu bay tăng, trong khi hành vi tương tự xảy ra tại cảng hàng không giảm.
Số vụ vi phạm quy định về sử dụng giấy tờ đi tàu bay giảm nhưng số vụ vi phạm về thẻ và giấy phép kiểm soát an ninh tăng và số vụ trộm cắp tại cảng hàng không giảm mạnh so với cùng kỳ.
Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại tăng đột biến qua đường hàng không. Trong quý 3/2023, ngành hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý hơn 1.000 vụ vi phạm với tổng giá trị tang vật vi phạm hơn 802 tỷ đồng, tăng 856 vụ và tăng hơn 759 tỷ động trị giá hàng vi phạm so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, hoạt động vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới tập trung chủ yếu qua tuyến đường hàng không, đường bộ ở các tỉnh phía nam. Quá trình kiểm soát hành lý của hành khách nhập cảnh, cơ quan hải quan thường xuyên phát hiện việc hành khách xuất, nhập cảnh mang tiền, ngoại tệ vượt định mức nhưng không khai báo hải quan.
Tại hội nghị, các ý kiến phát biểu đều đánh giá mặc dù hoạt động hàng không dân dụng quốc tế bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19 cũng như diễn biến rất phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế-xã hội của thế giới, nhiều hãng hàng không thế giới bị thua lỗ, thậm chí ngừng hoạt động nhưng các hãng hàng không của Việt Nam từng bước duy trì ổn định, có bước phát triển, khẳng định được vị thế của mình với sản lượng vận tải hàng hoá và hành khách đều có tăng trưởng nhờ khôi phục hoàn toàn đường bay đến các thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng khai thác các thị trường mới.
Về công tác điều hành bay, năm 2023, đã điều hành an toàn tổng số trên 752.000 lượt chuyến bay, tăng gần 14% so với năm 2022.
Ngành hàng không đã tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án 06 liên quan đến ứng dụng sinh trắc học, ứng dụng dữ liệu về dân cư, xác thực điện tử… đối với hành khách khi làm thủ tục đi tàu bay để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của hành khách đồng thời giúp đẩy mạnh số hoá, kiểm soát chặt chẽ, loại bỏ nguy cơ mất an ninh, an toàn hàng không.
Năng lực bảo đảm an ninh, an toàn hàng không cũng được nâng lên một bước, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; lực lượng an ninh hàng không tiếp tục được đào tạo nghiệp vụ, trang thiết bị phục vụ bảo đảm an ninh hàng không được quan tâm đầu tư.
Phương án phòng, chống hành vi can thiệp bất hợp pháp, khủng bố, phá hoại hàng không không ngừng được hoàn thiện thông qua các cuộc diễn tập cấp ngành, cấp cơ sở; cơ chế thông tin, chỉ huy chỉ đạo bảo đảm an toàn, an ninh hàng không được thông suốt từ Ủy ban ANHK dân dụng quốc gia đến Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố các địa phương, các cảng hàng không, sây bay, mục tiêu, công trình quan trọng về hàng không dân dụng.
Hợp tác quốc tế về hàng không dân dụng không ngừng được mở rộng cả về nội dung lẫn đối tác, trong đó lần đầu tiên Việt Nam phối hợp với Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế tổ chức Hội nghị an toàn và khai thác hàng không thế giới năm 2023; tham gia đầy đủ các hội nghị, sáng kiến, chương trình bảo đảm an ninh, an toàn hàng không của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Uỷ ban ANHK dân dụng quốc gia ghi nhận, đánh giá cao những kết quả rõ nét trong sự phục hồi và phát triển của ngành hàng không cũng như trong bảo đảm an ninh, an toàn hàng không dân dụng trong năm 2023.
Phó Thủ tướng cho rằng năm 2024, công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không sẽ còn nhiều thách thức do tình hình quốc tế và khu vực được dự báo còn diễn biến phức tạp, khó lường; nhu cầu đi lại, giao thương tiếp tục gia tăng; đầu tư phát triển hạ tầng sân bay còn hạn chế; sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ như trí tuệ nhân tạo, thiết bị không người lái, công nghệ điều khiển từ xa… trong khi đó, bất kỳ sơ xuất nào trong lĩnh vực hàng không cũng có thể gây ra hậu quả khôn lường.
Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu phải quán triệt nguyên tắc "phòng hơn chống" trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không. Điều đó đồng nghĩa với việc các cấp, các ngành chức năng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát theo trách nhiệm được giao, được phân công; xử lý ngay những nguy cơ có khả năng dẫn đến sự cố; thường xuyên tổ chức diễn tập và đào tạo.
Các hãng hàng không, ngoài tiêu chuẩn, quy chuẩn phải tuân thủ, còn phải giữ vững nguyên tắc "tuyệt đối không vì lợi ích" mà bỏ qua bất kỳ nguy cơ nào gây mất an ninh, an toàn hàng không, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng cần có sự đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, nhất là các công trình bảo đảm an ninh, an toàn ở các sân bay. Các lực lượng chức năng phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt là trong chia sẻ, cung cấp thông tin kịp thời và trong xử lý sự cố.
Bên cạnh đó, ngành hàng không phải đi tiên phong trong việc chuyển đổi số; quản lý tốt hệ thống điều hành bay. Các địa phương lưu ý kiện toàn và chấn chỉnh hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố ở địa phương mình.
Dẫn ví dụ về khả năng sơ tán an toàn toàn bộ 379 hành khách và thành viên phi hành đoàn trong sự cố va chạm máy bay nghiêm trọng tại sân bay Haneda của Nhật Bản vừa qua, Phó Thủ tướng nhấn mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của hành khách khi đi máy bay có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để bảo đảm an toàn tính mạng cho hành khách khi xảy ra sự cố./.
Hải Minh