In bài viết

Tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm chủng tại VN không cao

(Chinhphu.vn) - Tại buổi giao ban cơ quan báo chí Trung ương cuối tháng 7, Bộ Y tế cho biết tại nước ta, tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm chủng đều không cao hơn so với báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

31/07/2013 15:39

Cụ thể, tỷ lệ phản ứng nặng trên 1 triệu liều sử dụng vắc xin BCG tại Việt Nam là 0,49 (tỉ lệ phản ứng theo WHO là 1-700); vắc xin sởi là 0,21 (theo WHO là 1-50); vắc xin uốn ván là 0,03 (theo WHO là 1-6), vắc xin OPV là 0,76 (theo WHO là 1,4-3,4). Tỷ lệ phản ứng đối với vắc xin DPT, Quinvaxem (có thành phần DPT) đều rất thấp, với các tỷ lệ lần lượt là 1,88 và 1,1 (theo WHO, tỷ lệ phản ứng nặng đối với các vắc xin có thành phần DPT là 20/1 triệu liều sử dụng). Tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh là 0,86 trường hợp/1triệu liều sử dụng (theo WHO, tỷ lệ sốc phản vệ là 1-2 trường hợp/1 triệu liều sử dụng).

Bộ Y tế cũng cho biết, phản ứng sau tiêm chủng đối với bất kỳ vắc xin nào là tình trạng bất thường về sức khỏe xảy ra sau khi tiêm chủng, bao gồm các phản ứng từ nhẹ đến nặng và có thể gây tử vong đối với cá nhân có cơ địa mẫn cảm. Nguyên nhân của phản ứng sau tiêm chủng có thể do vắc xin, do sai sót trong tiêm chủng (bảo quản vắc xin hoặc thực hành tiêm không đúng), do cơ địa, do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý sẵn có của trẻ, do các nguyên nhân khác hoặc không xác định được nguyên nhân (tại Việt Nam mỗi ngày có khoảng 30 trẻ sơ sinh tử vong không rõ nguyên nhân).

Về phản ứng sau tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh

Ngày 20/7/2013, tại Bệnh viện đa khoa Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã xảy ra 3 trường hợp tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết đây là chùm 3 ca tử vong  (chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ sau khi tiêm) về lâm sàng đều diễn biến rất nhanh giống nhau.

Dựa trên kết quả kiểm tra thực địa và kết quả khám nghiệm tử thi của Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Quảng Trị, Bộ Y tế sơ bộ kết luận đây là chùm ca bệnh phản ứng sau tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh do sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân. Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Quảng Trị đã độc lập lấy mẫu vắc xin, mẫu bệnh phẩm gửi các cơ quan chuyên môn để kiểm định chất lượng vắc xin và xét nghiệm mẫu.

Đến nay, Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi Bộ Công an đề nghị tiến hành điều tra một cách độc lập nhằm xác định nguyên nhân sự việc nêu trên và có kết luận một cách sớm nhất. Bộ cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình sử dụng vắc xin và các phản ứng sau tiêm chủng và đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về sử dụng vắc xin nâng cao trách nhiệm của các địa phương trong công tác bảo đảm an toàn tiêm chủng.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trong nước và quốc tế để tìm ra nguyên nhân của các trường hợp tử vong nêu trên.

Tuy nhiên, Bộ Y tế khuyến cáo các bậc cha mẹ tiếp tục đưa con em mình đi tiêm chủng các vắc xin trong chương trình TCMR vì đây là giải pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ trẻ chủ động phòng các bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng bằng vắc xin. Tiêm vắc xin viêm gan B là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh cho trẻ. Nếu không tiêm chủng vắc xin viêm gan B sơ sinh thì hằng năm sẽ có khoảng 80.000 trẻ bị nhiễm vi rút mãn tính và hậu quả sau đó là khoảng 20.000 người bị xơ gan và ung thư gan.

Hiệu quả của tiêm chủng trong phòng chống bệnh truyền nhiễm

Nhờ có Chương trình Tiêm chủng mở rộng, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000.

Tỷ lệ mắc các bệnh thuộc tiêm chủng trên 100.000 dân nếu so sánh năm 2010 với năm 1984 cho thấy: Bệnh bạch hầu giảm 585 lần; ho gà giảm 937 lần;  sởi giảm 573 lần.

Việt Nam là nước đã đạt mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005. Hội nghị của Quỹ Nhi đồng Liên  Hợp Quốc (UNICEF) tổ chức ngày 15/5/2013 tại Mỹ đã tiếp tục công nhận Việt Nam đạt được thành tựu nói trên.

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, cũng phải thấy rằng nguy cơ của các dịch bệnh trên vẫn tiềm ẩn, cụ thể, nguy cơ vi rút bại liệt xâm nhập từ các nước lưu hành bệnh bại liệt vào nước ta là rất lớn.

Thúy Hà