In bài viết

Tỷ lệ trẻ tử vong do COVID-19 thấp nhưng không chủ quan

(Chinhphu.vn) – Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, số trẻ em dưới 18 tuổi mắc COVID-19 ở nước ta chiếm 19,2%, tỷ lệ trẻ tử vong là 0,42%. Tỷ lệ này thấp nhưng không phải là không có ca tử vong. Qua theo dõi, các bác sĩ cũng nhận thấy, có những trẻ có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, thậm chí có biến chứng rất đáng quan ngại như viêm đa cơ quan – biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt, với biến chủng Omicron có tốc độ siêu lây nhiễm thì tỷ lệ mắc đối với đối tượng chưa được tiêm chủng càng cao.

16/02/2022 19:58
Tỷ lệ trẻ tử vong do COVID-19 thấp nhưng không chủ quan - Ảnh 1.

Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc về hướng dẫn, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc COVID-19, do Bộ Y tế chủ trì tổ chức ngày 16/2. Ảnh: VGP

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chia sẻ thông tin này tại Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc về hướng dẫn, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc COVID-19, do Bộ Y tế chủ trì tổ chức ngày 16/2.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, trẻ mắc COVID-19 dưới 18 tuổi ghi nhận ở nước ta chiếm khoảng 19,2%, trong đó lứa tuổi mắc nhiều nhất là từ 6-12 tuổi, chiếm 8%, từ 13-17 tuổi chiếm 4,8%, từ 0-2 tuổi chiếm 3,6%, từ 3-5 tuổi chiếm 2,8%.

Tỷ lệ tử vong ở trẻ em do COVID-19 chiếm 0,42% so với tỷ lệ tử vong chung trên cả nước do COVID-19. Trong đó, nhóm tuổi từ 13-17 tuổi chiếm 0,11%, từ 6-12 tuổi chiếm 0,1%, từ 0-2 tuổi chiếm 0,18%. Như vậy, trong các nhóm tuổi này, nhóm trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất đáng lưu ý, chiếm tỷ lệ nhiều hơn so với các nhóm tuổi khác.

Cũng theo lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh, sau khi nghiên cứu từ các báo cáo của các đơn vị, địa phương gửi, Bộ Y tế nhận thấy, những địa phương có thời gian thu dung điều trị bệnh nhân là trẻ em với số lượng nhiều không thể chủ quan.

Ông Nguyễn Trọng Khoa lấy ví dụ tại TPHCM, trong số 32.429 trẻ mắc COVID-19, có 48 trường hợp tử vong, chiếm 0,15%. Phân tích 2.478 ca mắc thì có 165 ca có mức độ nặng, nguy kịch - chủ yếu ở nhóm trên 10 tuổi, chiếm 64%, trong đó trẻ mắc COVID-19 có bệnh lý kèm như thừa cân, béo phì chiếm 14%, các bệnh lý kèm khác chiếm 8,5%. Như vậy, còn lại các cháu không có vấn đề gì khi mắc COVID-19. Vì vậy, chúng ta không thể chủ quan.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong số 611 ca là trẻ em mắc COVID-19 được điều trị có 545 ca được chuyển khám, cách ly tại địa phương, 66 ca điều trị nội trú, trong đó có 5 ca tử vong (3 trẻ sơ sinh, 1 trẻ 2 tháng tuổi viêm não liên cầu B, 1 trẻ 6 tháng tuổi được chuyển lên từ tuyến tỉnh). Tỷ lệ này phù hợp với tỷ lệ chung trên toàn quốc.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trẻ em dưới 16 chiếm 9,5% (hơn 600 trường hợp), trong đó 21 trường hợp nặng và nguy kịch, chiếm 3,4%, có 1 trường hợp tử vong (có mẹ là sản phụ mắc COVID-19). Nhóm dưới 5 tuổi mắc COVID-19 điều trị tại đây chiếm gần 20%, từ 5-10 tuổi chiếm 34% và từ 10-15 tuổi chiếm hơn 45%. Trong số các trường hợp trẻ bị nặng điều trị có 28,7% ca có triệu chứng ở mức trung bình, số ca nặng chiếm 3,4%, trong đó có bệnh lý nền như béo phì, bệnh máu ác tính chiếm 0,8%.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở trẻ thấp nhưng điều đó cho thấy không phải là không có ca tử vong. Qua theo dõi điều trị COVID-19, các bác sĩ ghi nhận một số trường hợp có biến chứng rất quan ngại như viêm đa cơ quan - biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt, với biến chủng Omicron có tốc độ lây siêu lây nhiễm như hiện nay thì đối tượng chưa được tiêm chủng có nguy cơ cao mắc bệnh. Vì vậy, chúng ta không thể chủ quan.

Tại Hội nghị, các chuyên gia tập trung thảo luận 3 nội dung chính gồm: Hướng dẫn xử trí khi phát hiện trẻ em mắc COVID-19 ở trường học và tại nhà, hướng dẫn chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà, hướng dẫn xử trí chăm sóc trẻ em mắc COVID-19 tại các bệnh viện.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng nhấn mạnh, với sự chỉ đạo của Chính phủ, ngành y tế và các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19; gấp rút chuẩn bị các điều kiện an toàn khi trẻ đi học trở lại.

 Hiền Minh