Trình bày Tờ trình về Đề án vị trí việc làm của Viện KSND, Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hải Phong cho biết việc xác định vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức trong ngành KSND được xây dựng trong 2 Đề án, gồm: Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức trong ngành KSND và Đề án vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Viện KSND Tối cao.
Viện KSND Tối cao đề nghị UBTVQH xem xét, phê duyệt để làm căn cứ xây dựng Đề án “Tổ chức, biên chế của Viện KSND đến năm 2020 bảo đảm theo quy định của Luật tổ chức Viện KSND năm 2014”.
Viện KSND Tối cao cũng đề nghị cho ngành KSND khi thực hiện tinh giản biên chế, đến năm 2021 tinh giản tối thiểu 10% tổng biên chế, đồng thời được sử dụng 10% biên chế (đã được tinh giản) để tuyển dụng công chức có chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của gành theo luật định. Đề nghị UBTVQH xem xét, quyết định việc giao biên chế, cơ cấu lại các ngạch công chức của ngành Kiểm sát nhân dân.
Trình bày Báo cáo thẩm tra Đề án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với sự cần thiết và căn cứ xây dựng Đề án.
Ủy ban Tư pháp đề nghị Đề án chỉ tập trung xác định vị trí việc làm, tiêu chuẩn ngạch công chức tương ứng với từng vị trí việc làm, không đề cập đến nội dung phê duyệt biên chế và số lượng kiểm sát viên, điều tra viên các ngạch, cán bộ điều tra.
Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng Viện KSND Tối cao cần bổ sung, giải trình thêm các nội dung như các yếu tố đặc thù ảnh hưởng đến việc xác định vị trí, việc làm, tiêu chuẩn và ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm của Viện KSND các cấp; đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động tại Viện KSND các cấp; mô tả công việc của vị trí việc làm tại Viện KSND cấp cao, cấp tỉnh và cấp huyện để từ đó xác định tính hợp lý và khung năng lực của từng vị trí việc làm tại các cấp Viện KSND; việc xác định ngạch công chức tương ứng với từng vị trí việc làm còn chưa thực sự cụ thể.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Viện KSND Tối cao tách hai nội dung về vị trí việc làm và số lượng biên chế, cơ cấu ngạch công chức thành hai đề án. Trên cơ sở yêu cầu của việc xây dựng Đề án là nhằm xác định đúng số lượng vị trí việc làm và sau khi được phê duyệt thì trên cơ sở đó xác định số lượng biên chế cần thiết cho mỗi vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức tương ứng.
Về quy trình phê duyệt đề án, tương tự như việc xem xét Đề án vị trí việc làm của Tòa án nhân dân và Đề án vị trí việc làm của Kiểm toán nhà nước, trên cơ sở ý kiến lần đầu của UBTVQH, Viện KSND Tối cao hoàn thiện lại đề án để trình xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định việc phê duyệt, thông qua Đề án sau khi được Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo.
Đề cập đến nội dung nội dung cụ thể của Đề án, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị thực hiện đúng theo quy định của pháp luật đối với nội dung về ngạch công chức trong vị trí việc làm; về số lượng biên chế đề nghị thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 39- NQ/TW năm 2015 của Bộ Chính trị về tinh giảm biên chế.
Nguyễn Hoàng