In bài viết

UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật

(Chinhphu.vn) - Ngày 13/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn của dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.

13/04/2012 16:53

Phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Một trong những nội dung được các đại biểu băn khoăn đó là quy định đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật (Chương II).

Báo cáo giải trình của Uỷ ban Pháp luật cho rằng mục tiêu lớn nhất của phổ biến, giáo dục pháp luật là làm cho đại bộ phận người dân có được kiến thức pháp luật, nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật.

Do vậy, các đối tượng cần phổ biến giáo dục pháp luật cần được quy định cụ thể trong Luật. Về các đối tượng đặc thù trong phổ biến, giáo dục pháp luật, cần  bổ sung một số đối tượng bao gồm: ngư dân, cán bộ công chức và viên chức, cán bộ chiến sỹ trong lực lượng vũ trang nhân dân, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh.

Cơ bản đồng ý với các đối tượng đặc thù cần được phổ biến, giáo dục pháo luật như trong dự thảo, song Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng không thể đưa cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang nhân dân vào nhóm đối tượng đặc thù cần tuyên truyền. Lý do là khi đã vào đội ngũ này, bản thân các đối tượng đã được tôi luyện và có trình độ hiểu biết tương đối cao về pháp luật.

Đồng tình với quan điểm này,  Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chung Lưu đề nghị quy định thêm những người có hoàn cảnh khó khăn không có cơ hội tiếp cận pháp luật.

Giải thích rõ hơn vấn đề này trong Dự thảo tờ trình, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thuý Hiền cho biết, dự thảo chọn đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang là đối tượng đặc thù để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bởi đây là nhóm thực thi pháp luật.

Cũng theo bà Nguyễn Thúy Hiền, vụ việc xảy ra tại Tiên Lãng là một bài học cho thấy vấn đề am hiểu pháp luật tại cấp cơ sở vẫn còn những bất cập.

Do vậy, cần đối tượng  cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang vào đối tượng giáo dục pháp luật để quyền và lợi ích hợp pháp của công dân,  của các tổ chức trong xã hội được tôn trọng, bảo đảm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đồng tình với việc cán bộ, công chức, viên chức cần phải phổ biến giáo dục pháp luật vì đây là nhóm thực thi pháp luật. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần cân nhắc trong việc đưa nhóm này vào đối tượng đặc thù.

Cũng liên quan đến đối tượng cần phổ biến, giáo dục pháp luật, Uỷ ban Pháp luật đề nghị bỏ ra khỏi dự thảo nhóm đối tượng nạn nhân bạo lực gia đình và mua bán người.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thuý Hiền, khảo sát cho thấy nhiều người trong số nhóm này có trình độ hạn chế, yếu thế trong xã hội và trong tổ ấm của mình.

Làm rõ thêm băn khoăn của Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương về vấn đề tiêu chuẩn của tuyên truyền viên và báo cáo viên, Thứ trưởng Nguyễn Thuý Hiền cho rằng, tuyên truyền viên là người có uy tín ở cở sở. Việc đưa quy định này nhằm thu hút người có hiểu biết tham gia tuyên truyền pháp luật ở xã, phường hoặc thị trấn, tiêu chuẩn phải có bằng tốt nghiệp đại học luật và có thời gian công tác 2 năm. Đây được xác định là lực lượng nòng cốt tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân.

Còn báo cáo viên là cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận để kiêm nhiệm thực hiện hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật.

Ngoài ra, các đại biểu cũng quan tâm tới một số vấn đề về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, về giáo dục pháp luật trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Linh Đan