Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, dự thảo lần này đã tiếp thu cơ bản các ý kiến khác nhau, các vấn đề lớn đều được giải quyết như liên thông, trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương.
Đề cập đến vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm là sách giáo khoa (SGK), Phó Thủ tướng khẳng định, dù ai biên soạn SGK thì cũng phải có Hội đồng thẩm định, Bộ trưởng Bộ GT&ĐT phê duyệt có cho sử dụng hay không. SGK được xã hội rất quan tâm, làm sao sử dụng cho tiết kiệm. Vì thế, tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội về trách nhiệm của Bộ trưởng liên quan đến SGK không chỉ là ở nội dung mà còn ở việc sử dụng tiết kiệm.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông lần này rất khác. Lần này phát triển phẩm chất, năng lực với nội dung quan trọng là soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông và các môn học. Người dạy theo chương trình mới không nhất thiết phải bám chặt SGK, ngoài ra còn nhiều tài liệu khác để khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp vì mục đích chính của lần này là đổi mới phương pháp dạy và học.
Vẫn theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trong quá trình chuẩn bị, biên soạn SGK rất chi tiết, huy động các nhà khoa học, nhà giáo, khác hẳn phát hành sách thông thường. Bộ chỉ đạo biên soạn để có một bộ sách chủ động khi đến tiến độ thì có sách, đồng thời khuyến khích các tổ chức và cá nhân biên soạn nhưng phải bám vào chương trình, quy trình thủ tục biên soạn theo thông tư. Khi có bản thảo rồi thì có Hội đồng Thẩm định quốc gia thẩm định đảm bảo công bằng giữa các bộ sách. Bộ trưởng Bộ GD &ĐT ký ban hành sách đó sau khi thẩm định chứ không phải viết xong là phát hành.
Thực tế, Bộ đang soạn thảo thông tư để ban hành hướng dẫn lựa chọn sách chứ không phải ai thích chọn thế nào thì chọn. Hiện nay đang tích cực biên soạn sách, không phải nhà khoa học của Bộ mà đấu thầu các nhà khoa học trong cả nước.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông có nêu, để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK. Bộ sách này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do các tổ chức, đơn vị biên soạn. "Tôi hiểu là đây bộ sách này là chính, còn việc xã hội hóa biên soạn SGK khác thì có thể trong một số môn người ta có quyền lựa chọn. Nhưng luật thì không nói gì đến bộ SGK do Bộ biên soạn" - ông Hà Ngọc Chiến cho biết.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga quan tâm đến bạo hành trẻ em trong các cơ sở giáo dục. Đặc biệt thời gian gần đây nổi lên một số vụ. Dù chỉ là cá biệt, nhưng dư luận rất quan tâm.
Học sinh bị giáo viên xâm hại tuy là cá biệt nhưng cả xã hội quan tâm vì xưa nay nghề giáo là cao quý, được nhân dân tôn trọng. Xã hội phức tạp, một vài người lệch chuẩn mực, vi phạm pháp luật bị xử lý nhưng cũng tác động đến tâm lý của xã hội. Vì thế, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp mong muốn đưa quy định này vào luật. Đặc biệt là xác định trách nhiệm của nhà trường, giáo viên, xã hội trong việc bảo vệ người học.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp “rất mong muốn” nếu có thể được thì đề xuất thêm chuẩn mực đạo đức nhà giáo vì chuẩn mực đạo đức của ngành rất quan trọng, như ngành y thì có y đức. “Tôi không rõ ngành giáo dục đã ban hành quy chuẩn về chuẩn mực xử sự chưa. Nếu chưa thì đưa vào điều 67, tiêu chuẩn giáo viên đáp ứng chuẩn mực trong bộ quy tắc ứng xử do Bộ Giáo dục Đào tạo quy định để giáo viên thực hiện, tránh những trường hợp đã xảy ra như thời gian vừa qua”, bà Nga đề nghị.
Đồng quan điểm trên, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, các hành vi thiếu chuẩn mực của nhà giáo xuất hiện tuy không nhiều nhưng lại có ảnh hưởng sâu rộng, đặc biệt là tác động lên đối tượng vị thành niên.
Theo đó, quy định về nhà giáo đã tương đối đầy đủ nhưng có một sơ hở là phần đi dạy thêm thì quản lý thầy cô giáo thế nào? Nếu xảy ra sai phạm thì xử lý theo pháp luật rồi, nhưng ngoài ra việc quản lý nhà nước đối với vấn đề này thế nào?
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý, chương trình giáo dục phổ thông, trên cơ sở thống nhất chương trình thì thực hiện xã hội hóa để các tổ chức, cá nhân, nhà khoa học tham gia biên soạn. Nghị quyết 88 của Quốc hội giao Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK nhưng luật không quy định cụ thể trách nhiệm, vai trò của Bộ GD&ĐT mà chỉ nói mỗi môn học có một hoặc nhiều bộ SGK.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị có một bộ sách chung, thống nhất của quốc gia. Còn có những bộ sách tham khảo về môn học đó thì có nhiều người tham gia biên soạn. Khi tham gia biên soạn bộ sách chính thống đó thì không chỉ chuyên gia do Bộ GD&ĐT mời mà cần có cả chuyên gia, nhà khoa học bên ngoài.
Lê Sơn