In bài viết

UBTVQH: Thống nhất ban hành Kế hoạch thực thi Hiến pháp

(Chinhphu.vn) – Sáng nay (24/12), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và nhất trí ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2014.

24/12/2013 17:02
Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh VGP/Lê Sơn

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng Hiến pháp sửa đổi đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách với các ngành, các cấp trong việc tổ chức thi hành để đạo luật gốc đi vào cuộc sống và phát huy được vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH của đất nước.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, Hiến pháp mới có nhiều thay đổi về nội dung và điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan Nhà nước. Do vậy cần phải có kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện phân tích, về nguyên tắc kể từ ngày Hiến pháp có hiệu lực, tất cả những quy định có liên quan như: Tổ chức, bộ máy, quyền và nghĩa vụ... đều phải được tổ chức thi hành phù hợp với quy định của Hiến pháp. Tuy nhiên, sau khi Hiến pháp có hiệu lực có thể sẽ xuất hiện những những quy định trái với Hiến pháp; không còn phù hợp với Hiến pháp hoặc những quy định của Hiến pháp nhưng chưa có trong các quy định hiện hành.

Do đó, ông Hiện đề nghị phải rà soát lại 3 nhóm luật kể trên trong quá trình tổ chức thi hành. Qua đó, xác định rõ, nếu có quy định nào trái với Hiến pháp cần ưu tiên sửa đổi ngay như: Một số thẩm quyền của Chủ tịch nước chuyển sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay thẩm quyền thuộc Thủ tướng chuyển sang Chủ tịch nước. Tiếp đó là sửa đổi, bổ sung với những quy định không còn phù hợp với Hiến pháp và những quy định có trong Hiến pháp nhưng chưa được quy định trong luật.

Tán thành với quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, ông K’sor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đề nghị: Trước hết, nhóm luật quy định trái Hiến pháp phải được ưu tiên sửa đổi trước. Tiếp đó là sửa đổi nhóm quyền cơ bản và nghĩa vụ của công dân, tổ chức để không gây ra các xáo trộn trong quá trình thực thi. Ông K'sor Phước cũng cho rằng cần ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hướng dẫn thi hành, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo dõi, chỉ đạo quá trình thi hành Hiến pháp.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị nên có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về kế hoạch tổ chức thi hành Hiến pháp do Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập. Đồng thời, cần rà soát lại tất cả các chương trình, kế hoạch liên quan đến việc triển khai thi hành Hiến pháp.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng phải kiểm tra lại quá trình thực thi pháp luật, tránh “khoảng trống” trong quá trình rà soát, chuyển giao như việc phong hàm cấp tướng thuộc quyền Chủ tịch nước phải có sự thẩm định chặt chẽ của Văn phòng Chủ tịch nước đối với việc này.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho rằng, phải đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến việc thi hành Hiến pháp nhưng cần tránh phô trương, hình thức, tốn kém, chồng chéo trong quá trình phổ biến thi hành Hiến pháp đến người dân.

Góp ý về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng, cần tiến hành việc “một luật sửa nhiều luật” nhằm bảo đảm các quy định phải được thực thi ngay khi Hiến pháp có hiệu lực, không để luật "bó” Hiến pháp. Muốn Hiến pháp đi vào cuộc sống, ngoài các hội nghị lớn của các cơ quan Trung ương, cần có đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở đối với vấn đề này.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thống nhất sớm có Nghị quyết về kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp và Nghị quyết hướng dẫn thi hành một số điều theo Nghị quyết 64/2013/QH13 của Quốc hội để Hiến pháp bảo đảm hiệu lực từ ngày 1/1/2014.

Được biết, để thi hành Hiến pháp, cần sửa đổi, bổ sung 18 đạo luật về tổ chức, bộ máy, thẩm quyền, nhiệm vụ của một số thiết chế. Đây là khối lượng công việc đồ sộ, cần sự nỗ lực của nhiều cơ quan, tổ chức vào cuộc để sớm đưa ra Quốc hội xem xét.

Lê Sơn